Doanh nghiệp thờ ơ là một trong những khó khăn và hạn chế trong quá trình triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong bản báo cáo sơ lược tình hình và kết quả thực hiện chương trình phát triển NƠXH trên địa bàn thành phố.

{keywords}

HoREA đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép đối tượng mua NƠXH cũng không phải chứng minh thu nhập.

Theo HoREA, chương trình phát triển NƠXH chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản do thiếu tính hấp dẫn, cơ chế chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án NƠXH còn rườm rà, qua nhiều tầng nấc.

Thứ nhất, dự án phải được kiểm toán, do vậy có một số chi phí thực của doanh nghiệp đã bỏ ra nhưng không được tính đủ. Ví dụ: Dự án NƠXH tại phường Thảo Điền, Q.2 của Công ty Thủ Thiêm có khoảng 1.900 m2 đất được chủ đầu tư mua lại quyền sử dụng đất của dân vào năm 2004 với giá khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá đất theo bảng giá đất của thành phố tại khu vực này khoảng 12 triệu đồng/m2, giá thị trường khoảng trên 20 triệu đồng/m2, nếu lấy giá cũ 2,5 triệu đồng/m2 của năm 2004 để tính giá thành dự án NƠXH thì sẽ rất thiệt thòi cho chủ đầu tư, và khó động viên chủ đầu tư tiếp tục tham gia chương trình phát triển NƠXH.

Thứ 2, lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư dự án NƠXH được tính khoảng 10%, do vậy lợi nhuận thực nhận của doanh nghiệp thực tế thấp hơn, thậm chí có trường hợp bị lỗ.

Việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án NƠXH cũng phải được cấp tỉnh thông qua, sau đó trình Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng có văn bản chuyển Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chuyển đến ngân hàng thương mại thì mới xong thủ tục giải quyết cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được duyệt dự án NƠXH nhưng chưa triển khai, có doanh nghiệp như CTCP 584 xin rút dự án Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú ra khỏi chương trình NƠXH.

Trong thời gian qua, có một số dự án nhà ở thương mại chuyển thành dự án NƠXH do thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng, doanh nghiệp xin chuyển đổi để xử lý hàng tồn kho, nợ xấu và để giảm lỗ, cắt lỗ. Nay, thị trường bất động sản đang phục hồi nên khó tiếp tục thu hút doanh nghiệp chuyển dự án nhà ở thương mại sang dự án NƠXH.

Trong khi đó, các cá nhân mua nhà ở thương mại (có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn hộ) khó tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng do trước đây Bộ Xây dựng quy định phải chứng minh thu nhập và phải thuộc đối tượng người có thu nhập thấp đô thị. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã cho phép người thu nhập thấp không cần phải chứng minh thu nhập khi mua nhà ở thương mại, nhưng đối tượng mua NƠXH thì vẫn phải chứng minh thu nhập theo quy định của Nghị định 188/2013/NĐ-CP nên người dân vẫn khó tiếp cận NƠXH.

Để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển NƠXH, HoREA đưa ra khá nhiều đề xuất như kéo dài thời gian cho vay và hạ lãi suất gói 30.000 tỷ đồng, chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NƠXH.

Ngoài ra, theo HoREA hiện nay, đối tượng mua NƠXH vẫn phải chứng minh thu nhập theo quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển NƠXH. Điều này chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép đối tượng mua NƠXH cũng không phải chứng minh thu nhập. Vì trên thực tế, khi mua NƠXH thì người mua đã dùng chính căn hộ này để thế chấp cho hợp đồng mua căn nhà này. Và, dự án NƠXH hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư bán cho người tiêu dùng vẫn phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng theo Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo Báo Người tiêu dùng