Câu chuyện về cao ốc 18 tầng tại 8B Lê Trực, cũng như việc Hà Nội vừa ban hành quy chế quản lý kiến trúc tại khu phố cũ, đã khiến nhiều người thắc mắc về ... lịch sử của những cao ốc trong vùng "lõi" thành phố.

Được xây dựng từ cuối thế kỉ XIX đến trước 1954, khu phố cũ (còn gọi là khu phố Pháp) có tổng diện tích chừng 800 ha. Các nhà nghiên cứu thường tạm chia không gian này theo 4 khu vực chính: phía đông hồ Hoàn Kiếm (phố Lý Thái Tổ, Trần Nguyên Hãn...), phía Tây hồ Trúc Bạch (Cửa Bắc, Phó Đức Chính...), khu Ba Đình (phố Lê Hồng Phong, Trần Phú...) và đậm đặc nhất là vùng Nam hồ Hoàn Kiếm, trải rộng từ Tràng Thi, Tràng Tiền xuống quá phố Nguyễn Du.

Người Pháp quản lý chiều cao thế nào?

Theo nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, ngay từ năm 1890, Sở Lục lộ Hà Nội đã ban hành những quy định khắt khe về chiều cao của các công trình. "Như tôi được biết, chính quyền dựa vào qui chuẩn do Haussmann, người qui hoạch Paris giữa thế kỷ XIX đề ra: chiều cao của công trình phải tỷ lệ thuận với chiều rộng của đường phố đó vì thế hầu như không có công trình nào quá cao. Nếu muốn cao hơn, họ phải xin phép” - ông Tiến nói. "Đến giờ, quan sát bằng mắt thường, chúng ta cũng có thể thấy các công trình Pháp còn tồn tại đều ít khi vượt quá 2/3 tổng chiều rộng của mặt phố và vỉa hè".

{keywords}

Xây cạnh Hồ Gươm vào giữa thập niên 1990, toà nhà "Hàm cá mập" bị cho là thô kệch và ảnh hưởng xấu tới cảnh quan của không gian này

Việc quản lý chiều cao như vậy được kéo dài tới giữa thế kỷ XX. Sự thực, năm 1951, Hà Nội cũng từng "suýt" có những khu tập thể 4, 5 tầng trở lên. Đó là thời điểm, những người dân tản cư từ các vùng quê đổ về Hà Nội rất đông và gây áp lực lớn về chỗ ở.

Kế hoạch xây dựng những tòa nhà cao tầng, chia ô, có công trình phụ dùng chung rồi bán rẻ cho người dân đã được một số Sở đề xuất, nhưng không thành hiện thực. "Chính quyền khi ấy cho rằng cách xây dựng như vậy không phù hợp với kiến trúc và quy hoạch Pháp".

Đặc biệt, sau năm 1954, dù nhu cầu nhà ở tại Hà Nội tăng vọt, khu phố Pháp vẫn bảo tồn được hình dạng kiến trúc bên ngoài. Theo ông Tiến, những khu nhà tập thể cấp 4 phân cho các cán bộ, công nhân viên khi đó hầu hết được xây ở ngoài đê sông Hồng và các khu đất trống xa khu trung tâm. Còn nhà tập thể cao tầng đầu tiên tại phố Nguyễn Công Trứ xây trên đất nghĩa trang.

Hà Nội vươn cao!

Đến giữa thập niên 1980, nhà cao 3 tầng trở lên cũng rất ít xuất hiện tại khu phố cũ. Lý do là người dân còn hạn chế về tài chính và nỗi ám ảnh về hai chữ “tư sản” vẫn tồn tại trong xã hội nên ngay cả người có điều kiện cũng ngần ngại xây "nhà lầu" cho mình.

Phải tới tầm 1988, hai năm sau Đổi Mới, những tòa nhà cao tầng đầu tiên mới lác đác mọc lên tại khu vực này. "Tôi vẫn nhớ, một trong những tòa nhà khiến người ta "choáng" khi đó nằm tại Bát Đàn cao... 6 tầng" – nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến kể. "Đầu những năm 1990, Hà Nội cũng đã có những quy định tại những khu vực đặc biệt thì nhà chỉ được xây cao 4 tầng. Nhưng vì qui định chung chung nên người dân lách luật bằng cách xây nhà có tới... 4 tầng lửng, sau đó thành phố mới sửa qui định giới hạn chiều cao bằng mét".

Rồi, từng bước, theo ông Tiến, đến cuối những năm 1990, các tòa nhà cao chục tầng trở lên bắt đầu xuất hiện mỗi lúc một dày đặc trong khu phố cũ. Đó chính là thời điểm mà kinh tế Việt Nam chuyển mình, và nhu cầu về khách sạn, văn phòng, trung tâm giải trí... tại các khu đất vàng của Hà Nội được đặt ra. Chưa kể, cũng từ thời điểm này, thị trường bất động sản tại Hà Nội bùng nổ, khi bất cứ ai có tiền đều có thể sở hữu nhà và đất tại Hà Nội mà không phải lo lắng về pháp lý.

Phần còn lại của câu chuyện đã được nhiều chuyên gia kiến trúc và di sản "mỏi miệng" nhắc tới trong vài năm qua: cao ốc mọc lên quá nhiều tại khu phố cũ đã phá vỡ tổng thể không gian kiến trúc của khu phố cũ. Chưa kể, với hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội được quy hoạch trước đó chỉ đáp ứng cho một số dân nhất định nay bị quá tải khi các chung cư kiểu mới, khách sạn cao tầng mọc lên. Kết quả là ùn ứ giao thông, mật độ dân số thuộc hàng cao nhất thế giới, thiếu nhà trẻ, trường học...

Bởi thế, dù xuất hiện quá muộn, bản quy chế quản lý kiến trúc tại khu phố cũ Hà Nội vẫn là điều vô cùng đáng mừng – với điều kiện việc thực thi những quy định ấy phải được giám sát nghiêm ngặt, thay vì... lỏng lẻo như những năm qua.

Quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch khu phố cũ Hà Nội được Sở quy hoạch kiến trúc thành phố đưa ra ngày 22/9, trên phạm vi 150 tuyến phố và 250 ô phố.

Tổng diện tích của khu vực này là 508 ha, giới hạn trong phạm vi giáp đường Thanh Niên (phía Bắc), đường Yên Phụ, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái... (phía Đông), phố Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú... (phía Tây), Đại Cồ Việt, Lò Đúc, Lê Quý Đôn (phía Đông).

Tùy vị trí, các nhà mặt tiền trên những tuyến phố này được yêu cầu giới hạn chiều cao từ 4 – 6 tầng (16- 22 mét), một số trường hợp đặc biệt được xây tới 8 tầng.

Trong tương lai, quỹ đất sau khi di dời một số trường đại học, bệnh viện, xí nghiệp... tại đây sẽ ưu tiên sử dụng làm không gian công cộng, thay vì xây nhà ở cao tầng.

Theo Thể thao & Văn hóa