Nhiều dự án bất động sản đang biến những mảnh đất nông nghiệp của Hà Nội thành vùng đất chết. Hàng loạt khu đô thị, biệt thự mọc lên nhưng dang dở, không một bóng người.
Khu đô thị Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức) được xây dựng năm 2007. Qua 8 năm, các khu biệt thự tại đây chỉ mới xây xong phần thô. Cổng vào các ngôi biệt thự cây cỏ mọc um tùm, thậm chí không có bóng dáng công nhân làm việc. Nhiều biệt thự được lợp ngói nhưng không sử dụng nên biến màu, rêu phủ. Đây là khu đô thị nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố, khá gần trung tâm, chỉ cách tòa nhà Keangnam khoảng 7 km. Khu đô thị Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) cũng chung tình trạng. Đây là một trong những dự án phức hợp với đầy đủ biệt thự, chung cư, khu vui chơi. Nhiều căn nằm cạnh trục Đại lộ Thăng Long. Bên trong các khu biệt thự thi công dang dở tại khu đô thị Bảo Sơn đã xây xong phần thô. Lên những tầng cao hơn có thể nhìn rõ những vũng nước tại nhiều căn biệt thự. Nhiều người dân lao động sinh sống tại đây cho biết, biệt thự xây dở không có ai trông coi nên họ "đánh liều" dựng tạm lều bạt để ngủ nghỉ. Cách đây 5 năm, thời điểm bất động sản thịnh vượng, những căn biệt thự liền kề cách trung tâm Hà Nội vài km là món hàng hấp dẫn. Khu đô thị Mễ Trì và Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cũng dừng hoạt động xây dựng từ vài năm nay. Hàng loạt căn biệt thự có diện tích sàn trên 100 m2 nằm trơ trọi giữa mưa nắng. Khu đô thị Trung Văn với tổng mức đầu tư 1.071 tỷ đồng bao gồm các hạng mục nhà biệt thự, chung cư, trường học, sân chơi trẻ em. Tuy nhiên, hàng trăm căn biệt thự, liền kề, nhà vườn đang bị bỏ hoang, các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Một số căn biến thành nơi quảng cáo rao vặt. Khu đô thị Yên Xá (quận Hà Đông) nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố. Khu vực này cách trục đường Nguyễn Trãi 2 km. Cỏ mọc um tùm khắp khu đô thị khiến nhiều người không thể nhận rõ đây là những căn biệt thự từng là mơ ước một thời ở Hà Nội. Về đêm các khu đô thị với hàng loạt căn biệt thự này trở nên vắng vẻ. |
Tại khu đô thị Trung Văn, những ngôi không người này nằm cạnh các khu chung cư khá sầm uất. |
Theo Zing