Với chủ đề “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật 2015 được tập trung trong hai tháng, bắt đầu từ ngày 1/10 đến ngày 31/11, trong đó cao điểm trong tuần lễ từ ngày 2-9/11. Báo VietNamNet hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam bằng loạt bài về giải pháp cho những vụ án kéo dài, góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân vào một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Kính thưa quý vị và các bạn, tình trạng những bản án đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành hoặc những vụ việc đã hết sức rõ ràng nhưng vẫn kéo dài gây hậu quả nặng nề cho những bên tham gia tố tụng nhất là những vụ án kinh tế là một câu hỏi không có lời giải đáp.
PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Phương Đông – Phó trưởng bộ môn Luật Thương mại Đại học Luật Hà Nội về vấn đề này.
Nhà báo Ngô Thu Lý: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình! Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về việc có những vụ án kinh tế kéo dài hàng chục năm trời mà những bên tham gia tố tụng theo từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm mà mất đi nhiều cơ hội làm ăn kinh doanh của họ?
Ông Vũ Phương Đông: Theo quan điểm của tôi, rõ ràng nhu cầu của doanh nghiệp khi có tranh chấp là phải giải quyết tranh chấp đó thật nhanh vì nếu họ giải quyết tranh chấp không nhanh thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, uy tín của họ. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp khi có tranh chấp đều muốn tìm giải pháp nào đó để giải quyết tranh chấp thật nhanh.
Khi tham gia giải quyết tranh chấp tại tòa rõ ràng các doanh nghiệp muốn có một thủ tục tố tụng nhanh gọn để họ giải quyết tranh chấp đó. Tuy nhiên nếu vướng phải những trường hợp thủ tục kéo dài thì rõ ràng đây sẽ là rủi ro cho hoạt động kinh doanh. Đối với nhiều doanh nghiệp việc thủ tục kéo dài dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thực hiện hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi được nữa. Uy tín trên thị trường có thể bị ảnh hưởng hoặc nguồn tài chính của doanh nghiệp có thể bị cạn kiệt khi theo đuổi các vụ kiện. Đặc biệt những vụ kiện qua sơ thẩm rồi phúc thẩm có thể lên giám đốc thẩm, tái thẩm thủ tục rất dài.
Khi doanh nghiệp theo đuổi những vụ kiện đó có rất nhiều tranh chấp mà doanh nghiệp gần như phải mang toàn bộ tài sản của mình ra để thực hiện những quan hệ hợp đồng đó. Nhưng cuối cùng tranh chấp cứ kéo dài, kéo dài và nó dẫn đến một hiện tượng là bản thân doanh nghiệp tham gia vụ kiện mặc dù có rất nhiều những ủng hộ họ là bên không có vi phạm hợp đồng nhưng cuối cùng vì sự kéo dài này dẫn đến họ lại gặp khó khăn về mặt kinh doanh. Và từ khó khăn ở hợp đồng này dẫn đến những khó khăn liên quan đến hoạt động kinh doanh khác.
Thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp vì vướng mắc liên quan đến hoạt động tranh chấp kinh doanh mà dẫn đến việc doanh nghiệp bị khánh kiệt, bị phá sản. Đó chính là rủi ro rất lớn đối với doanh nghiệp.
Nhà báo Ngô Thu Lý: Với những trường hợp như báo VietNamNet vừa nêu giữa một vụ án kinh tế lớn nhất Đà Nẵng tranh chấp giữa CTX Holdings và Công ty Mỹ Phát mà tổng tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy thì trách nhiệm cụ thể của tòa án đến đâu trong những vụ án như thế này khi thời gian xét xử kéo dài tới gần 3 năm?
Ông Vũ Phương Đông: Quan điểm của tôi thì đối với những vụ tranh chấp có giá trị lớn như vậy, doanh nghiệp theo đuổi những vụ kiện như vậy có thể nói sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính trong quá trình theo đuổi vụ kiện đó. Vì trong quá trình theo đuổi vụ kiện đó, vài trăm tỷ đồng gần như toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đó. Và nếu như họ không có biện pháp để thu hồi khoản tiền đó một cách nhanh chóng thì hoạt động kinh doanh của họ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
ở đây nếu nói đến trách nhiệm của tòa thì tôi cho rằng chúng ta cũng cần có một cái nhìn mở hơn. Trên thực tế, ở Việt Nam khi tham gia vào những tranh chấp này, một vấn đề có thể làm cho những vụ tranh chấp kéo dài còn liên quan tới việc bản thân các luật sư khi đi tư vấn cho những bị đơn hay trong trường hợp này chẳng hạn họ sẽ có cách để tư vấn cho bị đơn nhằm kéo dài khoảng thời gian giải quyết tranh chấp ra để chịu các nghĩa vụ phát sinh từ tranh chấp đó của bị đơn. Và do đó tôi cho rằng đó là một vấn đề.
Vấn đề thứ hai, theo quan điểm của tôi thì còn nằm ở vấn đề quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hệ thống tòa án ở Việt Nam. Với quy định của pháp luật Việt Nam theo quy định về giải quyết tranh chấp thương mại trong bộ luật tố tụng dân sự rõ ràng còn rất nhiều điểm chưa phù hợp làm cho thủ tục trình tự cũng kéo dài.
Hơn nữa, việc giải quyết tranh chấp tại tòa xu hướng chung là đều kéo dài. Vì nó có một quy trình tố tụng rất cố định. Do đó, ở đây bản thân các tòa án ở Việt Nam đôi khi phải chịu áp lực là số lượng vụ việc phải thụ lý rất lớn. Dẫn đến việc trì hoãn việc giải quyết các vụ việc trở thành một vấn nạn ở hệ thống tòa án tại Việt Nam. Bản thân các tòa khi gặp những vụ việc lớn như vụ việc PV vừa nêu thì các tòa khi giải quyết tranh chấp này họ đều rất cẩn trọng vì giá trị vụ việc rất lớn. Một phán quyết sai có thể tạo ra hệ quả xã hội hết sức phức tạp. Vì vậy mà bản thân các tòa khi giải quyết những vụ việc này họ cũng lại phải có những cân nhắc. Và chính những câu chuyện đó làm cho tranh chấp càng kéo dài. Và chúng ta cũng biết rồi khi vụ việc càng kéo dài như vậy thì doanh nghiệp họ lại chịu hệ quả của câu chuyện kéo dài đó làm đời sống của doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp suy yếu.
Như vậy, ở đây tôi cho rằng, tòa án cũng có một phần trách nhiệm nhưng hệ thống pháp luật cũng như bản thân các chủ thể tham gia tư vấn những việc tham gia tranh chấp này cũng có một phần trách nhiệm ở trong đó. Và đã đến lúc các doanh nghiệp cũng phải tìm ra các cơ chế giải quyết tranh chấp mới nhanh hơn, thuận lợi hơn cơ chế tranh chấp giải quyết tại tòa án. Ví dụ như trọng tài thương mại hay giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại sắp tới đây chúng ta sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể hơn. Có lẽ các doanh nghiệp cũng phải tính đến các phương án khác để tránh những trường hợp thủ tục có thể kéo dài.
Nhà báo Ngô Thu Lý: Thưa ông, trong những trường hợp xét xử tố tụng kéo dài nhưng trong quá trình ấy diễn ra trong một thời gian quá lâu khiến cho bên thua kiện hoặc mất khả năng chi trả hoặc phá sản rồi thì lúc này khả năng thi hành án gần như không còn nữa. Vậy khi này, trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Vũ Phương Đông: Theo quan điểm của tôi thì đây thực ra là rủi ro khi giải quyết tranh chấp tại tòa án nếu thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài . Ở Việt Nam hiện nay, thời gian giải quyết tranh chấp thương mại có thể kéo dài đến 400 ngày. Như vậy, đó cũng là khoảng thời gian dài và như vậy nguy cơ bị đơn chẳng hạn có thể bị khánh kiệt tài sản hoặc tuyên bố phá sản là rất cao. Rõ ràng đó là một rủi ro rất lớn cho các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại nếu như thủ tục giải quyết tranh chấp bị kéo dài.
Khi bị đơn họ bị khánh kiệt tài sản họ bị tuyên bố phá sản thì rõ ràng lúc đó cơ quan thi hành án cũng không có căn cứ nào để thi hành bản án mà được tuyên quá trễ. Do đó, đây là một rủi ro dành cho nguyên đơn những chủ thể đã từng tuân thủ theo pháp luật nhưng cuối cùng vì sự chậm trễ trong quá trình giải quyết tranh chấp mà lại dẫn đến những hệ quả đó.
Ở quan điểm của tôi, tôi cho rằng, vấn đề về thời gian giải quyết tranh chấp còn liên quan đến vấn đề về sự thu hút của môi trường đầu tư nữa. Nếu Việt Nam không có một giải pháp nhanh chóng để có thể giảm thời gian giải quyết tranh chấp tại tòa án thì rõ ràng chúng ta cũng không thể thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường được. Bởi vì nhà đầu tư họ tham gia thị trường họ đã có quá nhiều các loại rủi ro khác nhau rồi. Bây giờ họ lại phải có thêm sự rủi ro nữa đó là cơ quan nhà nước không giải quyết ngay các tranh chấp cho họ thì đó là những rủi ro cho nhà đầu tư. Và rõ ràng muốn thu hút nguồn vốn đầu tư kể cả nước ngoài hay trong nước thì tòa án phải có trách nhiệm rất lớn trong việc giảm khoảng thời gian giải quyết tranh chấp xuống. Và càng giải quyết tranh chấp nhanh bao nhiêu thì chúng ta sẽ càng thu hút được nhà đầu tư càng giảm thiểu những rủi ro không đáng có cho nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Hy vọng qua cuộc trao đổi này thì những doanh nghiệp đang nằm trong những vòng xét xử kéo dài sẽ cảm thấy được an ủi động viên phần nào và hiểu rõ hơn về pháp luật của Việt Nam.
Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã theo dõi chương trình. Xin chào và hẹn gặp lại!
VietNamNet