Theo Trung tâm Quản lý & Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đến tháng 7, Hội An có 58 ngôi nhà cổ đứng trước nguy cơ đổ sập trong mùa mưa bão.
Đề án tu bổ khẩn cấp di tích phố cổ của UBND tỉnh Quảng Nam được triển khai từ năm 2004, nhưng đến nay, mới chỉ có 30 nhà cổ được trùng tu, nâng cấp.
Ông Mai Văn Đức quyết định ứng trước tiền tu bổ nhà cổ thay vì chờ đợi nguồn vốn từ thành phố. Ông Mai Văn Đức quyết định ứng trước tiền tu bổ nhà cổ thay vì chờ đợi nguồn vốn từ thành phố. |
Hằng năm, trước mùa mưa bão, Hội An lại thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà cổ, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Theo Trung tâm Quản lý & Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, hiện có 11 nhà cổ xuống cấp ở mức “nghiêm trọng”, đang được thành phố lên kế hoạch cứu. Ông Võ Đăng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cho biết, từ năm 2004 đến nay, Hội An tu bổ được 30 di tích, nghĩa là mỗi năm chỉ thực hiện trung bình 3 công trình, do thiếu nguồn vốn.
Ngôi nhà cổ số 120 Trần Phú xuống cấp nghiêm trọng đang được trùng tu với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó 40% do hộ dân tự bỏ ra |
Việc trùng tu dựa vào nguồn vốn của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, tỷ lệ hỗ trợ tùy thuộc giá trị, vị trí của từng ngôi nhà. Đối với những hộ nghèo, thành phố có chính sách vay vốn ưu đãi từ năm 2008 để họ có chi phí sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, nhiều hộ không đợi được nữa, đã chấp nhận bỏ tiền túi ra sửa, thay vì đợi nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh.
Ông Mai Văn Đức, số nhà 71/20 Phan Chu Trinh, nói: “Nhà tôi mục nát cả chục năm nay. Nhiều chỗ sụt ngói, mục tường; mùa mưa dột nước, cả nhà phải đến ở ké hàng xóm. Nhiều lần Trung tâm cử người về khảo sát nhưng đợi mãi không thấy động tĩnh gì nên 2 tháng trước, tôi quyết định bỏ tiền túi ra sửa nhà dựa theo bản vẽ của Trung tâm, sau này xây xong, báo cáo lên để nhận tiền hỗ trợ”.
Nhiều nhà cổ xuống cấp trầm trọng nhưng thành phố đành bó tay, do vướng quyền sở hữu nhà cổ. Theo Trung tâm, phố cổ hiện có nhiều ngôi nhà thờ và một số nhà dân không thể có quyết định trùng tu vì chưa thể xác định quyền sở hữu. Muốn có quyết định trùng tu, thành phố phải có sự đồng ý và thỏa thuận với chủ sở hữu. Tuy nhiên, nhiều nhà cổ chưa có sổ đỏ, do đó, chưa có ai chịu đứng ra huy động kinh phí kết hợp nguồn vốn nhà nước để thực hiện.
Nhiều nhà cổ Hội An hiện được sử dụng cho mục đích kinh doanh. Nhiều chuyên gia lo ngại, dân tự ý sửa chữa sẽ ảnh hưởng kết cấu truyền thống của di tích. Thành phố đã nhắc nhở, lập biên bản và xử phạt các trường hợp vi phạm. Trung tâm hiện có đội ngũ cộng tác viên 33 người có trách nhiệm hỗ trợ tuyên truyền, giám sát, phát hiện và báo kịp thời về cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho sinh hoạt của dân trong nhà cổ, bên cạnh việc tôn trọng nguyên tắc chân xác của công trình, giữ nguyên hình dáng, kết cấu di tích cổ, Hội An chấp thuận cho người dân bổ sung một số hạng mục vốn không có trong các di tích ngày xưa, như toilet, bếp gas...
Theo Tiền phong