Tại nhiều dự án chung cư, chủ đầu tư ngang nhiên biến tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ, văn phòng… gây nguy hiểm đến công năng của tòa nhà.
Gần đây, cư dân tại nhiều dự án bức xúc trước tình trạng chung cư chủ đầu tư ngang nhiên biến tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ, văn phòng. Có chung cư bỗng nhiên “mọc” thêm bể bơi. Điều này gây nguy hiểm đến công năng của tòa nhà.
Ghi nhận tại Tổ hợp dự án Sông Hồng Park View (165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) do Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng làm chủ đầu tư khu vực tầng áp mái chủ đầu tư đã ngang nhiên biến thành văn phòng của công ty.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đàm Trung, Phó Giám đốc BQL Dự án Thái Hà cho biết, việc biến tầng áp mái thành văn phòng làm việc đã từng bị Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt hành chính vì xây dựng trái phép.
Tầng áp mái tòa nhà văn phòng chủ đầu tư Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng vô tư biến thành văn phòng của công ty.
Khu vực bên trong được cơi nới bố trí văn phòng Thanh tra Bộ Xây dựng từng xử phạt hành chính vì việc xây dựng trái phép này.
|
Còn tại dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long (Yên Hòa – Cầu Giấy) sau khi từng bước tìm phương án nâng chiều cao (từ 17 tầng lên 27 tầng) và thay đổi chức năng của tòa nhà (từ văn phòng thành tòa nhà hỗn hợp, căn hộ chung cư), gần đây tiếp tục cho dự án “mọc” thêm bể bơi trên tầng mái.
|
Khu vực thông tầng chủ đầu tư bố trí bể bơi trên tầng mái. |
Tình trạng cơi nới tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ diễn ra phổ biến tại nhiều nơi như: Dự án Golden Land (275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) do Cty CP thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn tài chính Hoàng Huy) làm chủ đầu tư; chung cư BMM (Phúc La, Hà Đông); chung cư Phúc Hà (Nam Xa La, Hà Đông)...
Tại dự án 165 Thái Hà dù bị thanh tra phát hiện đúng thời điểm và bị xử phạt cũng chỉ phạt với mức 50 triệu đồng về vi phạm hành chính. Mức phạt này chỉ được ví như “muỗi đốt inox”. Trong khi đó, thông tin trên Tiền phong, ông Trần Huyền Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng thừa nhận: “Chúng tôi biết sai và đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Xây dựng xin được phạt cho tồn tại. Bao nhiêu chúng tôi đều chấp hành nộp, chứ phá đi rất phí”.
Vấn đề “phạt để cho tồn tại” cũng đã được đưa ra tại nhiều dự án sai phạm, ngay tại dự án 8B Lê Trực, chủ đầu tư cũng đã đưa ra đề xuất hiến phần sai phạm tại tòa nhà cho Nhà nước. Tuy nhiên, nêu quan điểm về vấn đề này, người phụ trách Đảng bộ TP Hà Nội ông Phạm Quang Nghị cho rằng, đến thời điểm này vẫn “chưa có tiền lệ nào như thế cả”. Đồng thời ông cũng khuyến cáo không nên khuyến khích và đừng cổ vũ bênh vực hướng xử lý như vậy. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai.
Vậy, những công trình này sẽ xử lý như thế nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Dư luận đang chờ câu trả lời từ chính cơ quan chức năng.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Hồng Khanh