LTS: Được quảng cáo rầm rộ là những chung cư cao cấp với hạ tầng và tiện nghi hiện đại, đẳng cấp, nhưng nhiều dự án chung cư dù được bán với giá cao ngất ngưởng nhưng vấn đề hạ tầng thật đáng báo động. Nhiều chung cư chui sâu vào những ngõ nhỏ, phố nhỏ chỉ chưa đầy 3m, 2 xe máy tránh nhau còn khó. Vậy đến khi hoàn thiện, dự án đi vào hoạt động, hàng nghìn hộ dân chuyển đến sinh sống thì áp lực hạ tầng, giao thông còn quá tải đến mức nào?

Bài toán quy hoạch lại thêm những câu hỏi hóc búa chưa có cách nào giải quyết. Tại sao đường đã đông, phố đã chật mà các chung cư, nhà cao tầng vẫn được phép xây dựng, mọc lên như nấm?

VietNamNet thực hiện tuyến bài Những bất cập khi chung cư chui vào ngõ nhỏ, “nhồi nhét” cao ốc vào nội đô.

-Vốn đang ùn tắc ngột ngạt nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục cho xây các chung cư, đô thị ngay tại các khu vực trung tâm. Nhiều khu vực là đất xí nghiệp, nhà xưởng sau khi di dời đáng lẽ phải phát triển thành các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội nhưng sau một thời gian các khu đô thị, các tòa chung cư lại mọc lên như nấm kéo theo những bất cập trong việc quy hoạch đô thị.

Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là một trong những đơn vị hàng đầu chuyên về đầu tư và kinh doanh nhà ở, bất động sản, các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế… được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký quyết định thành lập ngày 10/10/2012.

Được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt những dự án khủng như khu đô thị mới Định Công – Thanh Trì, dự án khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm… hay mới nhất là dự án Greenlife Tower thuộc bán đảo Linh Đàm và dự án tổ hợp New Skyline khu đô thị mới Văn Quán. Nhưng có một điều trớ trêu là HUD cứ xây nhà ở đâu thì lại tắc đường ở đó.

Khu đô thị mới Định Công cách đây khoảng chục năm nổi lên như một trong những khu đô thị kiểu mẫu với quy mô dân số lên đến 16.520 người, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dự án có đầy đủ công trình xã hội phục vụ cuộc sống người dân như trường học, nhà trẻ, siêu thị, chợ xanh, bệnh viện và các công trình vui chơi, dịch vụ vui chơi giải trí nhưng những con đường dẫn vào khu đô thị không ngày nào là không tắc.

{keywords}

Những ngã ba này luôn là nỗi khiếp sợ của người dân mỗi khi tan tầm

Khu đô thị đã vậy, những chung cư biệt lập của HUD cũng ở trong tình trạng tương tự. Chung cư P3 Phương Liệt được đưa vào hoạt động từ năm 2012 và được giới thiệu nằm trên trục đường Giải Phóng, cách cầu vượt Giải phóng 50m. Nhưng thực chất con đường dẫn vào tòa chung cư chỉ rộng chỉ khoảng 4m, cách điểm giao cắt tàu hỏa với đường vào chưa đầy 10m.

{keywords}

Ngã ba phía trước tòa chung cư

 

{keywords}

Chưa đầy 10m là điểm giao cắt với đường ray tàu hỏa

Anh Hải, một người dân hiện đang sống gần đó cho hay, cứ mỗi lần tan tầm thì ô tô, xe máy chen nhau từng mét một qua ngã 3 này. Ô tô ra, ô tô vào rồi lại những phương tiện cắt ngang qua chung cư mỗi giờ cao điểm luôn khiến khu vực này “sầm uất” hơn bao giờ hết.

“Muốn không bị đi làm muộn chịu khó dậy sớm một tí, còn hôm nào nhỡ có đi muộn thì thà quay lại ngủ thêm giấc nữa rồi hẵng đi” – Anh Hải cho hay.

Tình trạng này còn tái diễn ở một dự án “mới toanh” là dự án tổ hợp New Skyline thuộc khu đô thị mới Văn Quán với số lượng căn hộ lên tới 383 căn, còn nằm ngay cạnh một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất khu đô thị Văn Quán là đường Nguyễn Khuyến. Con đường với mật độ giao thông lớn nối liền từ đường Trần Phú vào đến khu đô thị Văn Quán. Trục đường nằm ngay cạnh con đường 19/5 mà theo những cư dân sinh sống tại đây thì: “Cứ sáng ra vào khoảng từ 7h30 đến 8h mà đi qua con đường này thì cứ “xác định” đi làm muộn còn chiều về khoảng 5 rưỡi 6 giờ thì chỉ có tiếng còi xe với khói bụi.”

Có một điều khá thú vị là HUD xây nhà ở đâu thì chỗ đó lại tắc đường. Với những khu vực mật độ dân số đã lớn nay lại thêm những tòa chung cư với hàng nghìn người sinh sống sẽ khiến cho sự quá tải về giao thông càng trở nên khó kiểm soát hơn, những bất cập trong quản lý đô thị càng nhiều hơn.

Những bất cập trong quản lý đô thị của Hà Nội đang ngày càng hiển hiện, gây bức xúc cho người dân như quy hoạch hệ thống cấp thoát nước yếu kém, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch còn bị buông lỏng. Khi mà Hà Nội – trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của cả nước nhưng bất cứ ai cũng có thể thấy được những hình ảnh không đáng có của một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Minh Cường