Dự án có ngân hàng “chống lưng” vẫn được vay
Tìm hiểu tại nhiều ngân hàng, BizLIVE được biết có nhiều ngân hàng vẫn cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án bất động sản có liên kết với ngân hàng.
Chẳng hạn, tại ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), ông Huỳnh Trung Minh, Phó giám đốc Khối khách hàng cá nhân cho biết, HDBank vẫn cho khách hàng vay mua nhà hình thành trong tương lai tới 70% giá trị nhà ở, thế chấp bằng chính căn nhà đó với những dự án nhà ở liên kết với HDBank. Khách hàng sẽ phải có 30% số tiền đối ứng. Đối với những dự án nhà ở không liên kết với HDBank thì những dự án đã làm xong phần móng, HDBank sẽ quyết định cho khách hàng vay mua nhà ở tại dự án đó hay không tùy tình hình tài chính của chủ đầu tư và sự thẩm định dự án của HDBank.
Còn tại ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc, ACB từ trước đến nay ít cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai, nếu có thì dự án bất động sản đó phải có liên kết với ACB. Thường thì ACB cho vay mua nhà và thế chấp bằng tài sản khác hoặc cho vay đối với người tiêu dùng cuối cùng (vay mua nhà để ở).
Tại ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank), ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc thông tin rằng, ngân hàng vẫn đáp ứng cho vay những khách hàng đủ điều kiện, còn những khách hàng chưa được xét thì sẽ chờ bổ sung theo quy định.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng cho biết VPBank chưa đưa bất kỳ thông tin nào về việc ngưng cho khách hàng vay mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Tại ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc khẳng định tỷ lệ cho vay bất động sản của ngân hàng vẫn thấp, do vậy đối với những dự án bất động sản tốt ABBank vẫn cho vay đối với những khách hàng có nhu cầu đáp ứng đủ điều kiện.
Hiện nay, tỷ lệ cho vay mua nhà tại các dự án của các ngân hàng là 70-80% giá trị căn nhà hình thành trong tương lai. Nếu người vay có tài sản thế chấp là tài sản khác có thể được vay tới 100% giá trị căn nhà.
Lãi suất cho vay mua nhà đang dao động ở mức 11%-13%/năm, đặc biệt đối với những dự án liên kết lãi suất ưu đãi chỉ còn 8%/năm. Kỳ hạn cho vay 5 - 20 năm.
Hiện nhiều ngân hàng đưa ra chương trình như cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi "sốc" chỉ 0%/năm trong 36 tháng đầu tiên của ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank); hay ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cho vay mua nhà với lãi suất 7%/năm đối với gói vay “Tiếp vốn khởi động – Tiếp sức thành công”; ABBank cho vay lãi suất linh hoạt chỉ 7,49%/năm theo chương trình “Vay Như ý – Không lo phí”; hay ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho vay mua nhà, mua đất được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8%/năm cho 12 tháng đầu, thời gian duy trì khoản vay cam kết tối thiểu 36 tháng…
Đối với những khoản vay ưu đãi lãi suất thời gian đầu, thời gian sau đó lãi suất sẽ được tính theo công thức: lãi suất kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng cộng với biên độ 1,5% - 2%/năm.
Nóng lòng chờ hướng dẫn
Trong khi giới bất động sản như ngồi trên đống lửa vì quy định mới về cho vay nhà ở hình thành trong tương lai, thì giới ngân hàng cũng gấp rút “kêu cứu” các cơ quan liên quan.
Nguyên nhân từ thực tế đã có tình trạng ngân hàng lách luật cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lại đối với những dự án bất động sản theo hình thức hợp đồng góp vốn (dự án mới được cấp phép, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, xây móng), do vậy rất rủi ro. Đây là những dự án “tay không bắt giặc”, một lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân (ABBank), các ngân hàng thương mại đã ngồi lại với ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp, cơ quan Công chứng, giao dịch đảm bảo và đưa ra những bất cập và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn rõ ràng. Còn đối với khách hàng vay tại những dự án tốt, không quá rủi ro ngân hàng vẫn xem xét cho vay.
Còn ông Võ Văn Châu (KienLong Bank) chia sẻ, thực chất thì việc cho vay mua nhà ở của người dân là nhu cầu chính đáng, các ngân hàng cũng đang nóng lòng chờ hướng dẫn để đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng.
Theo lý giải của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), về việc cho vay nhà ở hình thành trong tương lai là do hiện nay việc nhận thế chấp của một số tài sản đảm bảo gồm: Nhà ở mua của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; nhà ở của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức xây dựng trên đất của mình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản; Quyền tài sản liên quan đến dự án xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai sẽ có nguy cơ không có giá trị pháp lý khi ngân hàng nhận thế chấp không đúng với quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
Mặt khác, hiện nay, do các hướng dẫn và quy định của pháp luật chưa cụ thể nên phần lớn các văn phòng đăng ký đất đai địa phương từ chối xác nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đối với việc nhận thế chấp Dự án đầu tư xây dựng nhà ở/Nhà ở hình thành trong tương lai.
Để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong thời gian chờ ý kiến hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng, tránh rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhận tài sản đảm bảo đối với các tài sản nêu trên, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với các tài sản này mà chỉ nhận làm tài sản bảo đảm bổ sung.
Theo Bizlive