Đó là tính toán của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội được nêu ra trong nghiên cứu Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội đến năm 2020 và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị TP Hà Nội.

Sáng ngày 16/3, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức hội thảo báo cáo nghiên cứu Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội đến năm 2020 và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị TP Hà Nội.

Thông tin tại hội thảo, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, mục tiêu nghiên cứu tại Sở nhằm cụ thể hóa chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tổng hợp về quy mô phát triển lớn nhất đối với đô thị chính là đô thị Hòa Lạc. Từ nay đến năm 2020 tính toán phát triển lên đến 1.000ha. Quy mô phát triển đô thị thứ 2 là Sóc Sơn, tính toán quy mô phát triển gần 800ha, thứ 3 là Xuân Mai hơn 400ha, thứ tư là Phú Xuyên và cuối cùng là Sơn Tây. Trong đó, về nhà ở, quy mô phát triển nhà ở các đô thị số 1 định hướng phát triển là về phía Hòa Lạc, thứ 2 là Sóc Sơn, thứ 3 Xuân Mai và cuối cùng là Phú Xuyên.

Quá trình tính toán theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổng mức đầu tư lớn nhất là về phía Hòa Lạc với 267.500 tỷ đồng, khu vực Sóc Sơn có tổng mức đầu tư gần 200.000 tỷ đồng…

{keywords}
Hội thảo báo cáo nghiên cứu Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội đến năm 2020 và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị TP Hà Nội do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức sáng 16/3. 

Trao đổi về nghiên cứu tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao sự đầu tư và nghiêm túc thực hiện của Sở Quy hoạch- Kiến trúc. Liên quan đến phương pháp nghiên cứu, theo KTS Lã Thị Kim Ngân ở đây có quá nhiều dự án  đề xuất mang ý nghĩa là chiến lược, trọng điểm, mang ý nghĩa là động lực. “Vậy ai sẽ là người quyết định có thể sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Nếu chỉ là một ngành đơn phương thì rất khó quyết định và mang tính cảm tính theo ngành của mình rất nhiều. Vì thế cho nên đây là nội dung mang tính đa lĩnh vực và chỉ trong trường hợp kết hợp đa lĩnh vực như vậy chúng ta mới có thể ra được quyết định đâu là những dự án mang tính động lực, khởi động để từ đó chúng ta thu hút và lôi kéo các động lực thực sự” – Bà Ngân nói.

Cũng theo bà Ngân, “quan niệm phát triển theo hai bên đường hiện nay điều này sẽ làm cho các khu đô thị phát triển mang tính gọi là “liên khúc tình yêu” cứ nối tiếp nhau không bao giờ dừng lại. Và chúng ta đi từ Bắc xuống Nam gần như là đô thị. Chính vì quan điểm phát triển theo các con đường, nếu cứ phát triển theo các con đường thì khó để ra một khu đô thị tập trung. Cho nên quan điểm của tôi là khi đã phát triển một khu vực đô thị chúng ta nên lựa chọn khung mang tính quyết định hình hài khu đô thị trong tương lai”. Về vấn đề này, bà Ngân đưa ra ví dụ như quốc lộ 5 chúng ta phải xây dựng ngay một đường đi song song với quốc lộ 3 tạo thành vành khép kín và xung quanh đó mới là các khu đô thị tiếp theo.

Đánh giá và hoan nghênh nghiên cứu của Sở, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng đặt vấn đề về phạm vi nghiên cứu được chỉ rõ gồm hai giai đoạn trong đó giai đoạn I là trung tâm, giai đoạn II là vệ tinh. Nhưng lại thiếu đi một khu vực là khu vực, nông thôn, làng nghề. Ông Nghiêm cũng cho rằng, cần phải làm rõ hơn về vấn đề nguồn lực, đồng thời nâng cao vai trò của địa phương trong việc thực hiện phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục PTĐT Đỗ Viết Chiến chỉ ra vấn đề quy hoạch trong thời gian qua là tổ chức quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch dẫn đến việc chỗ nào cũng làm dự án nhưng lại nhan nhản dự án treo. Theo ông Chiến, để quản lý tốt việc phát triển đô thị có quy hoạch và kế hoạch cần phải có ban quản lý phát triển khu vực đô thị tránh tình trạng các cơ quan cứ duyệt xong là xong thiếu sự hậu kiểm. Và thực tế đã có nhiều công trình sai phạm như thời gian qua báo chí đã phản ánh.

Kết thúc hội thảo, ông Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội khẳng định, những đề xuất mang tính định hướng tuy nhiên trong nền kinh tế hiện nay thực hiện xã hội hóa chúng tôi cũng mong muốn đưa ra hướng phát triển với nguồn lực đầu tư công phát triển nhỏ như vậy muốn phát triển các khu vực theo định hướng quy hoạch chung thì phải chỉ ra được các khu vực phát triển ấy, hạ tầng khu vực…theo hướng xã hội hóa thì phải chỉ ra phát triển khu vực nào để là động lực tạo ra mong muốn phát triển.

“Đây là bước đầu các ý kiến đóng góp sẽ tiếp thu và có nghiên cứu để đề xuất mang tính khả thi. Vấn đề này này UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng và chúng tôi xây dựng chương trình song song với nhiệm vụ khi có yêu cầu phối hợp với Sở Xây dựng để xây dựng chương trình phù hợp với định hướng chúng tôi đã có tài liệu tổng hợp đầy đủ, thực tế thể hiện quan điểm của ngành quy hoạch kiến trúc” – ông Tùng nói.

Hồng Khanh