-Đó là khẳng định của ông Phạm Gia Yên – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng tại buổi làm việc tiếp nhận ý kiến của đại diện một số khách hàng mua căn hộ tại dự án số 8B Lê Trực (quận Ba Đình) ngày 18/3.

Theo phản ánh, kiến nghị của khách hàng đã mua căn hộ tại dự án, nhiều người đã tham gia góp vốn tới 90% giá trị căn hộ nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xây dựng sai với giấy phép dẫn đến hậu quả không lường trước được. Các hộ dân cũng bày tỏ lo ngại, việc phá dỡ phần công trình sai phép có thể ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng chung của cả công trình. Đồng thời kiến nghị kiểm tra về việc phương án phá dỡ chưa có đơn vị chức năng thẩm tra.

{keywords}
Thực hiện cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực ngày 6/3.

Liên quan đến phương án phá dỡ phần sai phạm tại dự án, ngày 19/3, trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, việc cưỡng chế là của quận thực hiện theo quyết định 32 của quận ngày 9/1/2016. Trong đó giao cho UBND phường Điện Biên và công ty Hải Anh Phát.

“Biện pháp thi công sử dụng theo hồ sơ biện pháp thi công của Công ty Hải Anh Phát đã lập và quận đã có ý kiến, Sở cũng có lưu ý rồi. Cái quan trọng là trong quá trình thực hiện quận, phường đã cử cán bộ giám sát theo dõi vì đây là quy trình ngược chứ không phải quy trình xây nên làm phải cẩn thận. Việc phê duyệt phương án là trách nhiệm của quận, Sở đã có văn bản để hướng dẫn nêu ý kiến” – lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Thông tin từ lãnh đạo Sở Xây dựng, đến nay chưa nhận được kiến nghị của người dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực.

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin về việc “Cưỡng chế toàn bộ sai phạm nhà 8B Lê Trực”, theo cam kết của Ủy ban Nhân dân phường, việc cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm phải hoàn thành muộn nhất vào ngày 29/4. Mặc dù xác định việc cưỡng chế phá dỡ công trình sai phạm tại 8B Lê Trực không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua nhà tại dự án, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các hộ dân sinh sống xung quanh tòa nhà, song thành phố Hà Nội vẫn kiên quyết chỉ đạo Sở Xây dựng, quận Ba Đình, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ phá dỡ; trong đó phải đặc biệt chú trọng yếu tố an toàn lao động đối với người trực tiếp tham gia phá dỡ cũng như các hộ dân sinh sống, đi lại xung quanh khu vực.

{keywords}
Không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đổi cho những sai phạm được. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai.

Ngay tại buổi làm việc tiếp nhận ý kiến của đại diện một số khách hàng mua căn hộ tại dự án số 8B Lê Trực tại Bộ Xây dựng (ngày 18/3), Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Phạm Gia Yên cũng nhấn mạnh, một công trình không phải cái kim, nó như thế ai chả biết. Để xây dựng được như vậy cho thấy công tác quản lý rất buông lỏng, để hậu quả rất lớn về mặt xã hội nên phải có trách nhiệm giải quyết trên nguyên tắc: vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm.

Thượng tôn pháp luật

Trao đổi với PV VietNamNet về việc phá dỡ tại các công trình xây dựng, theo TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, trong lĩnh vực xây dựng khi xây dựng công trình người ta cũng phải cần phương pháp, công nghệ xây dựng và cần tính chuyên nghiệp của người tham gia xây dựng từ thiết kế đến thi công. Ngược lại khi tháo dỡ một công trình nhà cũ cho đến việc xử lý sai phạm trong từng công trình cũng cần có phương pháp biện pháp rất cụ thể chi tiết chứ không cứ nghĩ phá là phá.

“Xuất pháp từ cái đó nên không ai muốn làm xong lại phải phá như vậy. Cho nên một trong những điều quan trọng là phải làm tốt ngay từ đầu tăng cường kiểm tra giám sát. Tất cả hệ thống quản lý của mình ở đâu? Đừng để người dân phải bỏ đồng tiền một cách vô lý. Các nhà đầu tư có thể tìm những cách vì lợi ích nhưng theo tôi trách nhiệm rất quan trọng là quản lý của địa phương, quản lý của chính quyền”- ông Chủng nói.

Cũng theo TS Trần Chủng, pháp luật thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực hoạt động xây dựng là cấp phép theo Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. Suy cho cùng nếu không thực hiện theo đúng giấy phép ban đầu thì đều là vi phạm. Ai cho phép, thẩm quyền như thế nào đều phải xem xét hết. Tất cả đều phải tuân thủ thực hiện theo thượng tôn pháp luật.

Liên quan đến thông tin chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực muốn hiến toàn bộ phần vi phạm cho Nhà nước sử dụng vào các mục đích công ích, trước đó ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội không chấp nhận ý tưởng hiến phần sai phạm nhà 8B Lê Trực.

Theo nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đổi cho những sai phạm được. Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai.

Cũng theo ông Phạm Quang Nghị, chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong đề nghị hiến tặng Nhà nước và dư luận cũng không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy. Thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn.

Với những sai phạm nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực, vừa qua Hà Nội đã kiểm điểm nhiều tập thể cá nhân trong đó nhiều cá nhân bị giáng chức và điều chuyển công tác khác.

Hồng Khanh