Không những chịu cảnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, cô lập vì ngập lụt, cư dân sống tại Khu đô thị Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư còn bức xúc vì nhiều tồn tại khác tại dự án này.

{keywords}

Hai thang máy Tòa HH2D hỏng đã 1 tuần nay và đang đã bị khóa, dán giấy cảnh báo: “Thang máy hỏng đang chờ vật tư thay thế”. Ảnh: Dũng Phạm

Vẫn chưa tìm được nguồn gây ô nhiễm

Số báo trước, Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại Khu đô thị Dương Nội, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân.

Theo phản ánh của cư dân sống tại đây, mùi khét do đốt nhựa hoặc hóa chất thường xuyên xảy ra từ 20h30 đến 24h hàng ngày, xuất hiện đã 1 năm rưỡi nay và cư dân đã phản ánh tới chính quyền địa phương, chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban quản trị HH2, một cảnh sát khu vực tên Thành cho biết, mùi khét trên được truyền đi từ Cụm công nghiệp Yên Nghĩa (Hà Đông) do một số cơ sở sản xuất công nghiệp thải ra. Tuy nhiên, đến nay, nguồn gây ô nhiễm vẫn chưa được xác định chính thức.

Sau phản ánh của Đầu tư Bất động sản và đơn kêu cứu của cư dân HH2, ngày 31/5, Đội Cảnh sát Môi trường, Công an quận Hà Đông và ông Nguyễn Xuân Quyến, Đội trưởng đội 2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban quản trị Chung cư HH2.

Tại buổi làm việc, ông Quyến đề nghị, nếu xuất hiện mùi khét, cư dân báo ngay cho PC49 để cán bộ của Phòng trực tiếp xuống xác minh hiện trường, xử lý.

Liên quan đến ngập lụt, ông Trần Oanh, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường cam kết, Nam Cường sẽ phối hợp với CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (chủ đầu tư Dự án HH2 A, B, C - dự án thành phần trong Khu đô thị Dương Nội do Nam Cường chuyển nhượng lại) sẽ nạo vét toàn bộ đường ống thuộc khu vực tòa nhà HH2.

Trước đó, theo phản ánh của cư dân, sở dĩ Khu đô thị Dương Nội bị ngập nặng trong trận mưa 25/5 vừa qua là do toàn bộ hệ thống thoát nước nơi đây bị tê liệt bởi đất đá, xi măng rơi vãi của công trình thi công Dự án HH2 A, B, C gây ra. Ba tòa nhà này nằm ngay cạnh chung cư HH2 D và E.

Tương tự, UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông cũng cho biết, đã làm việc với quận Hà Đông và cam kết sẽ nạo vét toàn bộ cống thoát nước thuộc đường ống trục đường Tố Hữu.

Không phủ nhận, các bên liên quan đã có những hành động tích cực trong việc giải quyết những tồn tại về ô nhiễm và ngập lụt tại Khu đô thị Dương Nội, nhưng cư dân mong muốn chính quyền địa phương và chủ đầu tư hành động quyết liệt.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một đại diện cư dân tòa HH2 cho biết, chủ đầu tư và chính quyền địa phương, các ban, ngành cần có những cam kết cụ thể hơn, như ngày giờ triển khai nạo vét, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện, vì cho đến ngày 3/6, không rõ đã nạo vét chưa, vì đường ống thuộc khu vực tòa nhà HH2 vẫn còn đất đá ùn ứ.

Về vấn đề ô nhiễm không khí, theo đại diện này, việc cơ quan địa phương vẫn chưa tìm ra manh mối gây ra mùi khét kẹt dù nó đã diễn ra 1 năm rưỡi qua là khó hiểu. Do đó, cư dân đặt dấu hỏi liệu có dấu hiểu khuất tất gì phía sau giữa cơ sở sản xuất với các cơ quan trên hay không, vì các chính quyền địa phương đều có danh sách doanh nghiệp/đơn vị đang hoạt động trên địa bàn, nên sẽ không khó để có thể tìm ra.

“Cư dân bình thường như chúng tôi chỉ biết kêu và cũng không rõ đơn vị gây ra mùi khét là ai, dù nghe đồn là của cụm công nghiệp tái chế nhựa. Nhưng chúng tôi cho rằng, với chức năng và quyền hạn của mình, cơ quan quản lý địa phương chắc chắn phải nắm được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn mình”, cư dân tên Hùng, cư dân đang sinh sống tại Tòa nhà HH2.

Công trình xuống cấp nhanh vì không có phí bảo trì?

Trong khi vấn đề ô nhiễm chưa được khắc phục, hạn chế ngập lụt vẫn phải chờ, thì cư dân sống tại Khu đô thị Dương Nội còn bức xúc với những tồn tại nội tại của chính dự án. Đây là những tồn tại đã xảy ra trước đó, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể, dù chung cư mới đưa vào hoạt động, nhưng tại tòa HH2, thang máy hỏng hóc, không được bảo dưỡng định kỳ, trong khi tại 2 tòa nhà CT7 và CT8, một số thiết bị tại khu vui chơi dành cho trẻ em không còn sử dụng được, hiện như đống sắt vụn...

“Hiện tại, toàn bộ 10 thang máy của 2 toà HH2 D và E đều đã có dấu hiệu hỏng đồng loạt, tiếng kim loại va vào nhau loẹt xoẹt rất ghê, quạt thông gió thang số 5 toà D không hoạt động, nên vào thang rất ngột ngạt. Ban quản trị cần khẩn trương làm việc với Ban quản lý tòa nhà và các bên để tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng ngay. Đây là ưu tiên số 1, vì nó ảnh hưởng đến tính mạng con người. Càng để lâu càng hỏng nặng và rất nguy hiểm”, ông Hùng bức xúc.

Theo phản ánh của các cư dân, nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp trên là do Ban quản trị vẫn chưa nhận 2% phí bảo trì từ chủ đầu tư, nên không có kinh phí bảo trì, vận hành. Chưa kể, do thiếu kinh phí, nên một số các hạng mục khác cũng bị ảnh hưởng như ô kính vỡ trước sảnh Block HH2E, nhưng chưa được thay thế, các ô kính mái sảnh Block D và E bụi bẩn, nhưng cũng không được lau chùi để đảm bảo an toàn và mỹ quan chung cư.

Theo cư dân tên Hưng, việc chung cư đã đi vào hoạt động gần 2 năm và tòa nhà đã lập Ban quản trị, mà chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%, cũng như hiện trạng tòa nhà cho Ban quản trị là điều khó chấp nhận được. Hơn nữa, về nguyên tắc, khi Ban quản trị chưa được bàn giao hiện trạng chung cư và phí bảo trì, thì Ban quản lý phải có trách nhiệm phối hợp và thống nhất với Ban quản trị về nguyên nhân, biện pháp sửa chữa và kinh phí thay thế, nhưng dường như 2 bên chưa đạt được thoả thuận về việc này.

“Ai đứng ra sửa chữa thang máy thì cũng đều lấy từ nguồn 2% phí bảo trì ra cả. Khi chưa kịp nhận bàn giao, thì Ban quản trị thống nhất thay thế linh kiện nào, chi phí hết bao nhiêu với điều kiện có đủ hồ sơ, chứng từ giải trình, thì số tiền ấy sẽ được khấu trừ khi nhận ban giao 2% phí bảo trì, chứ sao cứ để thang máy hỏng hóc, các hạng mục khác cũng bị ảnh hưởng theo. Việc các bên cố tình trì hoãn dẫn đến hỏng nặng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm trước cư dân”, ông Hưng cho biết.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Duy Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Hà Tây, Tập đoàn Nam Cường cho biết, phía chủ đầu tư rất sẵn sàng bàn giao cho Ban quản trị 3 tòa nói chung, và Tòa nhà HH2 nói riêng, nhưng thực tế, Ban quản trị tòa HH2 chưa sẵn sàng tiếp nhận bàn giao thực địa, dù bàn giao hồ sơ thì cũng đã hoàn tất.

“Chúng tôi đã liên tục hối thúc Ban quản trị Tòa HH2 nhận bàn giao, nhưng có thể vì các lý do liên quan đến công tác phối hợp, thời gian và năng lực quản trị, còn Trưởng Ban tòa CT8 mới lên cũng đã nghỉ, trong khi nội bộ cũng chưa được kiện toàn, nên giờ vẫn chưa bàn giao xong”, ông Mạnh nói và cho biết thêm, chủ đầu tư với vai trò và chức năng của mình sẽ không thể bàn giao nếu Ban quản trị chưa đáp ứng các yêu cầu, vì đó là tài sản chung của cư dân. Thực tế, Tòa CT7 dù hoạt động sau, trong khi cơ sở hạ tầng nhiều hơn, có đến 7 tòa, nhưng giờ cũng đã hoàn tất bàn giao, vì đáp ứng đủ yêu cầu.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về việc vì sao không nhận bàn giao thực địa, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban quản trị Tòa HH2 cho biết, do hai bên (chủ đầu tư và Ban quản trị) chưa thống nhất được thực địa (hiện trạng), nên chưa nhận bàn giao. Tuy nhiên, ông Huy khẳng định, tuần này, hai bên sẽ bàn giao thực địa, trong đó ưu tiên bàn giao hạng mục phòng cháy chữa cháy và hạng mục thang máy. Các ngày tiếp theo sẽ bàn giao nốt các hạng mục còn lại để hoàn tất việc bàn giao phí bảo trì.

Theo Báo Đầu tư Bất động sản