-Nhiều năm ròng rã đấu tranh đòi quyền lợi, nhưng những nạn nhân của vụ 1 căn hộ bán cho nhiều người, tại dự án chung cư Gia Phú, vẫn đứng trước nguy cơ mất trắng. Bức xúc càng lên đỉnh điểm khi cơ quan chức năng kết luận chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với chủ đầu tư.
Thắng kiện cũng không đòi được gì
Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (Viện KSND) đã có văn bản trả lời khách hàng mua nhà của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú là không khởi tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với chủ đầu tư này.
Sau khi nhận được công văn trả lời của Viện KSND, bà Phạm Thị Minh Toàn - đại diện khách hàng mua căn hộ của Công ty Gia Phú cho biết, tất cả các khách hàng đều có chung tâm trạng vô cùng bức xúc.
Khách hàng tiếp tục đấu tranh trước nguy cơ mất trắng |
“Viện KSND trả lời hành vi của Nghiêm chưa có cơ sở để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can với Nghiêm, vậy VKSND căn cứ vào đâu? Hồ sơ nào? Tại sao những chứng cứ của chúng tôi đã cung cấp cho cơ quan chức năng như việc 1 căn hộ bán cho 2 hoặc 3 người khác nhau lại không phải là lừa đảo? Vậy theo điều mấy khoản mấy trong bộ luật hình sự quy định yếu tố nào mới được cho đủ cấu thành tội phạm lừa đảo?”, bà Toàn nói.
Theo bà Toàn, hiện nay cư dân đã có đủ bằng chứng chứng minh ông Nguyễn Hùng Nghiêm kí bán một căn hộ cho nhiều người khác nhau và đã gửi một số hồ sơ cho cơ quan các cấp. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều căn hộ ông Nghiêm bán cho nhiều người mà khách hàng mới thu thập được.
Do đó, bà Toàn sẽ cùng cư dân tiếp tục làm đơn đề nghị, yêu cầu được gặp trực tiếp Viện trưởng KSND để trả lời rõ một số nội dung. Trong trường hợp Viện KSND giải quyết không đúng trách nhiệm, cư dân Gia Phú sẽ tiếp tục kiện lên cơ quan cấp trên và lãnh đạo thành phố.
“Đại diện Viện KSND bảo chúng tôi khởi kiện ra tòa, nhưng trước đó đã có người thắng kiện, đưa qua thi hành án. Tuy nhiên, một thời gian sau thi hành án lại trả hồ sơ nói là không giải quyết được, cư dân vẫn không đòi được tiền. Việc bên thi hành án trả lại hồ sơ, có nghĩa chủ đầu tư không có khả năng trả lại tiền cho cư dân. Thế mà Viện KSND vẫn cho rằng chủ đầu tư còn tài sản.
Những vấn đề này chúng tôi đều có chứng cứ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Viện KSND TP.HCM tạo điều kiện cho những khách hàng, Công ty Gia Phú và đại diện cơ quan chức năng được gặp nhau để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn để đi tới kết quả tốt nhất nhưng không được. Vậy giờ chúng tôi biết phải làm sao?”, bà Toàn nói thêm.
Khách hàng luôn luôn chịu thiệt
Trước những diễn biến mới về vụ việc tại chung cư Gia Phú, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, câu trả lời của Viện KSND TP.HCM về việc không khởi tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với chủ đầu tư chung cư Gia Phú là vo tròn, không phân tích kỹ nguồn vốn huy động của chủ đầu tư.
“Viện KSND TP.HCM đã không phân tích những nguồn vốn mà chủ đầu tư huy động gồm những gì, được sử dụng ở đâu. Viện KSND phải làm rõ vấn đề này, chứ không thể nói vẫn còn 16 căn hộ và 3 sàn thương mại tổng giá trị gần 82 tỷ đồng chưa bán; 10 căn hộ còn lại chưa thể hiện rõ.
Muốn biết chủ đầu tư có lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì phải xem chủ đầu tư có sử dụng đúng mục đích hay không. Việc đầu tư vào dự án nhưng lại không có khả năng trả tiền mà khách hàng mua căn hộ thì đó cũng là một hình thức chiếm đoạt tài sản. Kết luận này mang tính chất chủ quan nhiều hơn là dựa vào các chứng cứ, quá trình đầu tư dự án, việc chi tiền của chủ đầu tư”, Luật sư Phượng nhận định.
Theo Luật sư Phượng, đối với trường hợp chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người như vậy, khách hàng có thể làm ngay đơn kiện ra tòa. Còn trường hợp nào mà đã kiện rồi thì làm đơn phá sản. Từ việc phá sản, cơ quan chức năng có thể tiếp tục điều tra và chủ đầu tư phải cung cấp quá trình sử dụng tài sản, quá trình sử dụng vốn, giấy tờ, kế toán của dự án đó cũng xác minh lại. Sau đó, sẽ xem xét là xử hình sự hay không hình sự.
“Đây là việc mà người mua chung cư Gia Phú cần phải làm hiện nay. Khách hàng phải vận dụng pháp luật để đòi quyền lợi, thay vì chờ xử lý hình sự chủ đầu tư. Phải tận dụng biện pháp dân sự, khi điều tra phá sản mà thấy có dấu hiệu hình sự thì khách hàng lại yêu cầu khởi tố tiếp”, Luật sư Phượng nói thêm.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng cũng nhận định, với các án dân sự liên quan đến kiện chủ đầu tư như không giao nhà, bán 1 căn hộ cho nhiều người thì người mua luôn là người chịu thiệt vì rất khó thi hành án.
Bởi lẽ, tài sản khi đó đã không còn hoặc còn thì cũng không đủ "chia". Trong những trường hợp này, rất khó cưỡng chế để thi hành án, đòi lại quyền lợi cho khách hàng.
Diệu Thủy
Bán 1 căn hộ cho nhiều người không phải là lừa đảo?
Mặc dù chủ đầu tư đã bán một căn hộ cho nhiều người, thế nhưng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vẫn cho rằng, chưa đủ cơ sở để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”