Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) vừa có văn bản số 817/ANĐT (P4) gửi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị phối hợp điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại TP Đà Nẵng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

{keywords}

Khu đất 57 Lê Duẩn nằm ở vị trí đắc địa đã được đầu tư xây dựng khách sạn cao tầng, bên cạnh là những cửa hàng thời trang sầm uất. Ảnh: PV.

Đang thống kê để cung cấp cho cơ quan điều tra

Ngày 21/9, xác nhận với PV Tiền Phong, văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, UBND TP Đà Nẵng đã nhận được văn bản này. Tuy nhiên, vì cơ quan điều tra đang làm việc nên vị đại diện này từ chối cung cấp thông tin liên quan các dự án và nhà công sản.

Theo công văn 817, để phục vụ điều tra xác minh, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phối hợp thực hiện một số nội dung sau: Cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện các dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho tổ chức cá nhân của UBND TP Đà Nẵng từ 2006 đến nay. Cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến 9 dự án, mua/thuê 31 nhà công sản tại TP Đà Nẵng. Chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc (Văn phòng UBND, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Thuế…) phối hợp làm việc với Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) và cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan.

Theo thông tin ban đầu, 9 dự án được Bộ công an đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ gồm: Dự án Công viên An Đồn (năm 2010); Dự án Khu đô thị Harbour Ville của Công ty Đầu tư Mega (năm 2008); Khu đất tại đường 2/9 Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012); Dự án Phú Gia Compoud (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, năm 2007); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng Café-Bar và bến du thuyền khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng phía tây Cầu Rồng (năm 2015); Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha năm 2008); Lô 12 Khu B4.1, Khu dân cư An Cư mở rộng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, năm 2009); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010); Khu Du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5ha, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007).

Ngoài ra, 31 lô nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước đã được cho thuê, mua có thể kể ra như: số 16, số 20, số 158, số 100, số 07 đường Bạch Đằng; số 17, số 57, số 318 đường Lê Duẩn; số 45 - 47 - 49 đường Nguyễn Thái Học… Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong đa số những dự án và nhà đất công sản cho thuê, mua có dấu hiệu sai phạm hầu hết có liên quan tới một “đại gia” bất động sản ở Đà Nẵng.

Chiều ngày 21/9, xác nhận với phóng viên Tiền Phong, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, đoàn công tác của Bộ Công an đã họp với UBND TP Đà Nẵng và đang triển khai việc điều tra xác minh. UBND TP đã triển khai cho văn phòng, các sở ngành có liên quan thực hiện việc sao lục, thống kê… cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ, khách quan để phục vụ điều tra.

{keywords}

Nhà và đất công sản tại số nhà 100 Bạch Đằng đã được bán cho doanh nghiệp.

Đất công sản hái ra tiền

Số 57, đường Lê Duẩn nằm ở vị trí đắc địa ngay ngã tư Lê Duẩn - Ngô Gia Tự (quận Hải Châu). Lô đất này trước đây là khu tập thể của Bệnh viện C và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có diện tích hơn 1.700m2. Năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định bán không qua đấu giá nhà công sản 57 Lê Duẩn, có diện tích hơn 1.770 m2 cho Công ty Công nghệ phẩm với giá là 62 tỷ đồng. Nếu thanh toán tiền trong vòng 30 ngày sẽ miễn giảm 10%, tương đương hơn 6,2 tỷ đồng. Dù không thanh toán tiền đúng như hợp đồng nhưng doanh nghiệp này vẫn được miễn giảm 6,2 tỷ đồng. Theo người dân xung quanh khu đất này cho biết: Sau khi chuyển nhượng, chủ đầu tư hết kinh doanh áo quần rồi nhà hàng, ăn uống. Nay khu đất này đang mọc lên một tòa khách sạn cao tầng. Bên cạnh đó là một chuỗi cửa hàng kinh doanh thời trang sầm uất, khách hàng tấp nập.

Bà Lê Thị X. một người dân ở gần khu đất ở Lê Duẩn cho biết, khu tập thể đã được giải tỏa 5 - 7 năm nay. Đất cấp cho ai bà không rõ, nhưng nay được đầu tư xây dựng một cách nhanh chóng. 11 hộ dân gần đó cũng phải di dời đi chỗ khác để nhường đất cho khách sạn cao tầng. “Đất này là đất hái ra kim cương chứ không phải hái ra tiền đâu”, bà X. cho biết.

Lô đất 37 và 39 đường Pasteur cũng là đất công sản, ở một vị trí đắc địa tại quận Hải Châu. Hiện nay, cả hai lô đất này đều được giao cho một chủ khai thác kinh doanh cà phê và CLB Bida, khách đông nườm nượp. Theo tìm hiểu của phóng viên, riêng lô đất 37 hiện đang kinh doanh cà phê đã có diện tích khoảng hơn 960m2. Đây là một trong những quán cà phê đông khách nhất ở khu vực này. Theo phản ánh của người dân, ngoài 2 lô đất hái ra tiền này, ông chủ còn sở hữu nhiều vị trí đất đắc địa khác cũng là đất công sản. Do đó, nhiều nghi ngờ về sự ưu ái trong việc cho thuê, mua đất nhà công sản.

Số 16 Bạch Đằng là ngôi nhà có diện tích 1.796m2, là trụ sở Sở Tư pháp (cũ). Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2007, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất với giá hơn 50,3 tỷ đồng. Đến năm 2014, giá khởi điểm do thành phố quyết định là hơn 83 tỷ đồng. Cuối 2014, thành phố có quyết định thu hồi đất, giao Cty CPXD Bắc Nam 79 thuê để sử dụng vào mục đích thương mại với giá 45,3 tỷ đồng. Hiện khu đất này đang được vây kín, chưa được đầu tư xây dựng. Trong khi cạnh đó, số nhà 20 Bạch Đằng cũng thuộc diện nhà, đất công sản với diện tích khoảng hơn 1.300m2 đã được UBND TP Đà Nẵng cho một Cty thuê từ năm 2006. Đến năm 2009, diện tích trên đã được chuyển đổi quyền sử dụng đất cho một cá nhân. Hiện nay, khu đất này được gộp với số 18 liền đó để hình thành một nhà hàng sầm uất, đông đúc khách.

Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng cho rằng: Việc bán nhà công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua có nhiều bất thường ở chỗ có rất ít người được mua đi bán lại với giá khác nhau, giá chênh lệch một trời một vực. “Nhà và đất công sản ai cũng biết. Cái cần biết là ai bán, ai mua? gây thất thoát cho nhà nước bao nhiêu? vi phạm pháp luật ở chỗ nào? Do đó cần điều tra làm rõ”, ông Diệm nói.

Ngày 27/6, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2017, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thực trạng và quản lý nhà công sản, tình trạng mua bán nhà công sản (có những đơn vị được mua bán sở hữu nhiều nhà, đất công sản trong thời gian ngắn mà không qua đấu giá), ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay quá trình bán nhà công sản được thực hiện đúng quy trình, xác định giá nhà và giá đất sau đó sẽ được công bố bán công khai. Ai đấu giá cao thì có quyền được mua. Tuy nhiên, khi được hỏi “có đến 86 doanh nghiệp mua nhà công sản không qua đấu giá và có đơn vị mua rất nhiều nhà, đất công sản trong thời gian ngắn thì liệu có bất thường hay không”, thì ông Hùng không trả lời thêm. Trong khi đó, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, Đà Nẵng bán nhà công sản hầu như không đáng kể và tất cả đều bán thông qua đấu giá.

Theo Tiền phong

Hình ảnh, hiện trạng 9 dự án ở Đà Nẵng đang bị điều tra

Hình ảnh, hiện trạng 9 dự án ở Đà Nẵng đang bị điều tra

Một số dự án đang triển khai, một số khác đã được chuyển giao nhà đầu tư hoặc di dời vị trí.

"Điểm mặt" các dự án, nhà, đất công sản ở Đà Nẵng bị điều tra

"Điểm mặt" các dự án, nhà, đất công sản ở Đà Nẵng bị điều tra

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị phối hợp điều tra việc mua bán nhà công sản tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay