-Liên quan đến phương án cổ phần hoá (CPH) Công ty mẹ, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) của Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý.
HUD muốn giữ lại 3.797 tỷ đồng, liên bộ nói không
Theo phương án CPH HUD được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, giá trị doanh nghiệp (DN) được xác định tại thời điểm cuối năm 2014 khoảng 10.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 3.405 tỷ đồng. Hiện HUD đang sở sữu 43 dự án tại các đô thị lớn Hà Nội, Tp. HCM, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai…
Bộ Xây dựng đề xuất cho phép HUD để lại khoản tiền hơn 3.797 tỷ đồng tại thời điểm xác định giá trị DN ngày 31/12/2014, với lý do khoản trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng trong các dự án kinh doanh bất động sản (BĐS) của HUD.
Theo Bộ này, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, HUD có trách nhiệm thực hiện toàn bộ công việc để hoàn thành đồng bộ dự án theo quy định, nếu sử dụng không hết giá trị chênh lệch thừa sẽ thực hiện nộp ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT “bác” nhiều đề xuất của Bộ Xây dựng trong đề án CPH HUD (Ảnh: Kiến thức). |
Về vấn đề này, trong văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính nêu ý kiến: Báo cáo tài chính của HUD tại thời điểm xác định giá trị DN có số dư hơn 3.797 tỷ đồng là nguồn đã trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng tại 17 dự án BĐS. Cụ thể, theo hồ sơ phương án CPH HUD trong số 17 dự án này, có một số khu đô thị HUD thực hiện đã chuyển nhượng hết cho khách hàng đối với phần diện tích kinh doanh nhà thấp tầng và các căn hộ chung cư cao tầng, đã hạch toán doanh thu, kết chuyển chi phí (trong đó có chi phí đầu tư hạ tầng) và hạch toán thu nhập.
Các khu đô thị này về cơ bản đã hoàn thành hệ thống hạ tầng như đường giao thông khu vực, giao thông nội bộ, cây xanh, điện, nước… và đã bàn giao cho người mua nhà; đồng thời cũng đã bàn giao cho địa phương quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiêu biểu như các dự án Khu đô thị Mỹ Đình II, Khu đô thị Văn Quán, Khu đô thị bán đảo Linh Đàm, Khu Bắc Linh Đàm, khu nhà ở và văn phòng làm việc Hoa Lư, Giảng Võ…
Về nguyên tắc, việc trích trước chi phí đầu tư hạ tầng phải tương ứng với doanh thu và diện tích đất đã đầu tư của dự án. Đối với các dự án đã hoàn thành, đã bàn giao cho địa phương quản lý, đồng nghĩa với việc HUD không phải tiếp tục đầu tư hạ tầng các dự án này nữa. “Đối với khoản chi phí đầu tư hạ tầng đã trích trước này còn lại khi CPH HUD phải thực hiện hoàn nhập theo quy định không được để lại như ý kiến đề xuất của Bộ Xây dựng” – Bộ Tài chính cho biết. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại khoản trích trước hàng ngàn tỷ đồng trong hồ sơ CPH HUD để xác định số liệu chính thức phải hoàn nhập tăng giá trị DN và giá trị vốn nhà nước theo quy định.
Về vấn đề này, nêu trong văn bản góp ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến nay đã gần 30 tháng và khoản chi phí trích trước này cũng đã được sử dụng một phần để hoàn thành các hạng mục cam kết.
Do vậy, Bộ KH&ĐT tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể theo hướng tính toán lại số liệu đến thời điểm bán cổ phần lần đầu (IPO) và thực hiện quyết toán dứt điểm các khoản mục, trường hợp có chêch lệch thì ghi nhận đầy đủ vào giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi thực hiện quyết toán công tác CPH, đảm bảo không thất thoát vốn nhà nước.
Không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược
Đó là quan điểm được Bộ KH&ĐT đưa ra khi cho ý kiến về phương án CPH HUD. Theo bộ này, dù Bộ Xây dựng đề xuất dành 25% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng HUD là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường BĐS nên không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược.
Bộ KH&ĐT giải thích: “Nhà đầu tư chiến lược là những nhà đầu tư có thể hỗ trợ DN sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN; cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. HUD là DN hàng đầu Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường BĐS nên Bộ KH&ĐT cho rằng không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược”.
Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Xây dựng đấu giá rộng rãi, công khai toàn bộ cổ phần Nhà nước thoái đợt này tại HUD nhằm tăng sức hấp dẫn trong việc đấu giá lần đầu, tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Bộ KH&ĐT cũng đặt vấn đề về thời điểm xác định giá trị DN của HUD. Theo quy định việc công bố giá trị DN và IPO cách thời điểm xác định giá trị DN không quá 18 tháng, trong khi trường hợp của HUD đã quá 29 tháng nên không tránh khỏi khả năng có biến động về giá trị tài sản.
Do vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng trường hợp tiếp tục kéo dài thời gian CPH HUD cần phải báo cáo Thủ tướng cho phép, đồng thời phối hợp với Kiểm toán Nhà nước rà soát để cập nhật, bổ sung giá trị DN đến thời điểm gần nhất.
Theo Bộ Tài chính, việc xác định giá trị đất đai tại 43 dự án bất động sản HUD đang sở hữu, đơn vị tư vấn VVFC và Bộ Xây dựng đã căn cứ vào giá đất do UBND các tỉnh, thành phố công bố để xác định giá trị đất đai tại các dự án là chưa hợp lý. Bởi, giá đất công bố này chỉ để tính tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, trả tiền bồi thường đất đai… Do vậy, đây chưa phải là giá cụ thể để làm căn cứ tính giá trị quyền sử dụng đất tại 43 dự án bất động sản khi CPH HUD theo luật đất đai.
Theo phương án CPH HUD được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng, sau khi CPH Nhà nước sẽ chiếm 51% vốn điều lệ, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 0,31%, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 25%, cổ phần bán đấu giá công khai 23,69%. Đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ tại HUD xuống dưới 50%.
HUD là DN hàng đầu Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường BĐS nên không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược. Đề nghị Bộ Xây dựng đấu giá rộng rãi, công khai toàn bộ cổ phần Nhà nước thoái đợt này tại HUD nhằm tăng sức hấp dẫn trong việc đấu giá lần đầu, tránh thất thoát vốn Nhà nước – Bộ KH&ĐT. |
Hồng Khanh