Chưa đầy 6 năm từ khi đi vào vận hành, đường ống nước sông Đà đã gặp sự cố đến lần thứ 20. Những lần vỡ đường ống trước, khắc phục nhanh nhất là 2 ngày, cư dân ở xa đường cấp nước phải sau nửa tháng đến cả tháng mới có nước sạch để dùng. Lần thứ 20 này cũng vậy, hàng nghìn hộ dân lại phải bỏ tiền gấp nhiều lần để được dùng nước sạch.

{keywords}

Dịch vụ nước sạch trở nên phổ biến ở khu vực Định Công, quận Hoàng Mai.

Đoạn trường của hàng nghìn hộ dân

Tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà vừa gặp sự cố tại km22+900, thuộc địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội). Theo thông báo của Công ty nước sạch Hà Nội gửi một số đơn vị vào ngày 3/10 do Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Hùng ký, đường ống dẫn nước sạch sông Đà của công ty đã gặp sự cố. Tuy nhiên, trên website của Viwasupco (tại địa chỉ http://www.viwasupco.com. vn) không hề có thông báo về việc ngừng cấp nước do ảnh hưởng của sự cố. Phía đơn vị cấp nước này cho rằng đây chỉ là bảo trì đường ống thường xuyên chứ không phải sự cố. Việc bảo trì chỉ có giảm áp trong mấy tiếng đồng hồ chứ không kéo dài.

Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO), một trong số những khách hàng lớn nhất của VIWASUPCO, xác nhận đường ống dẫn nước sạch sông Đà gặp sự cố khiến nhiều khách hàng của VIWACO bị ảnh hưởng. Hậu quả của sự cố này là nhiều hộ dân tại quận Hoàng Mai bị mất hoặc có nước nhưng quá yếu, không đủ dùng, nhất là những khu dân cư cuối đường nước do áp lực nước bị giảm.

Cũng như 19 lần gặp sự cố của đường nước sông Đà trước đây, lần này, nhiều hộ dân các tổ 19, 20 phường Định Công, quận Hoàng Mai phải thức dậy từ 1h sáng chờ đợi hứng từng xô nước sạch. Anh Hoàng Trung Huy, tổ 20 phường Định Công cho biết: “Tình trạng nước chảy nhỏ đã diễn ra nhiều năm qua do địa bàn này ở cuối đường dẫn nước. Mỗi khi đường ống có sự cố chúng tôi sợ lắm, nó là nỗi kinh hoàng của những đêm mất ngủ để hứng nước. Khi đường ống khắc phục xong thì nước vẫn mất nhiều ngày do nhà quản lý không dám tăng áp suất nước vì lo đường ống tiếp tục vỡ”.

Theo tìm hiểu của PV, ở khu vực Định Công vào ban ngày nước rất yếu, những hộ dân ở sâu trong ngõ thì không có nước. “Các hộ ở các trục đường chính vẫn có nước nhưng rất yếu. Những hộ xây bể nước cao hơn mặt đường, nước không đủ mạnh để đẩy vào nên chỉ có cách thức trắng đêm để chờ hứng nước. Lần nào cũng thế, đường ống vá xong lâu rồi mà chúng tôi vẫn không có nước sạch để dùng”, anh Huy chia sẻ.

Mua nước giá cao gấp 20 lần

{keywords}.

Người dân khu đô thị Định Công vật vã chắt từng xô nước. Ảnh: Thành An

Nhiều lần trong năm, đặc biệt vào mùa hè, người dân phường Định Công phải mua nước sạch với giá cao. Theo đó, dịch vụ bán nước sạch ở khu vực này cũng khá phát triển. Bất kỳ một cửa hàng tạp hóa nào cũng dựng hàng chục thùng nước màu xanh loại 20 lít. Nước được giao tận nhà, chỉ cần một cuộc điện thoại, 5 phút sau là có nhưng chất lượng thế nào không ai biết. Mỗi thùng nước 20 lít này được bán với giá dao động từ 15.000 – 18.000 đồng.

Ngoài ra, dịch vụ bán nước đến tận nhà bằng các xe bồn cũng đang kiếm bộn ở khu vực đông dân cư này. Để có 1m3 nước người dân phải trả 120.000 đồng, đắt hơn gấp 20 lần so với giá nước thông thường.

Ở khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai), có những đợt mất nước hơn 2 tháng. Người dân cho biết, từ đầu năm, tại khu nhà B1, B3, B5 nước sinh hoạt đã rất yếu, nhiều gia đình cả tháng mới được cung cấp chưa đầy 1m3. Đến giữa tháng 5, gần như khu nhà B5 xảy ra mất nước hoàn toàn, khiến cho đời sống của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Để duy trì sự sống, người dân phải mua nước từ các xe téc chở tới với giá cao hơn giá bán nước sạch quy định 10 lần.

Khu tập thể ở ngõ 8B, phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa hơn 60 căn nhà với 200 nhân khẩu cũng trong tình trạng phải trả tiền nước đắt đỏ. Theo quan sát của chúng tôi, nước sinh hoạt mà đơn vị cung cấp cho khu tập thể này rất yếu, chỉ tầng 1 mới có nước chảy vào bể, từ tầng 2 trở lên không có nước. Ông Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố này cho biết đã nhiều lần ý kiến lên đơn vị cung cấp nước sạch. “Họ trả lời, địa bàn này nước yếu chung. Nếu các hộ dân muốn có nguồn nước sạch mạnh thì phải bỏ ra khoảng 1, 5 tỷ đồng làm lại đường ống”.

Để khắc phục tình trạng nước yếu không đẩy lên các tầng khu nhà tập thể, các thể hộ dân cư xây một bể nước với thể tích 120m3. Tuy nhiên, có thời gian dài bể có hiện tượng rò rỉ. Có những tháng số nước bị thất thoát lên tới 105m3. “Chi phí xây dựng bể, mua trang thiết bị dân đều phải bỏ tiền mua, cộng với việc máy bơm phải hoạt động 24/24 nên chi phí phải trả để có nước sạch dùng đắt gấp đôi với giá nhà nước”, ông Bình cho biết.

Thời gian qua, nội bộ Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex đã diễn ra nhiều biến động về nhân sự. Thêm vào đó đường ống sông Đà giai đoạn 2 đang được triển khai. Tuy nhiên, chưa biết lúc nào đường ống này sẽ hoàn thành. Trong khi đường ống sông Đà số 1 vẫn liên tiếp gặp sự cố. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đường ống nước sông Đà này đã gặp sự cố 2 lần liên tục. Người dân vẫn phải khắc khoải chờ đợi và phải mua nước sạch với giá “cắt cổ”.

...

Ông Vũ Xuân Bình, Bí thư chi bộ khu dân cư đô thị Đại Kim cho biết, khu này mất nước diện rộng từ lúc đường ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ… 18 (từ 11/7 cho đến nay). Còn riêng khu B5, tổ 2A mất nước cũng tới vài tháng nay.

Ông Trần Văn Mùi, số nhà 15/B5 xót xa chia sẻ, gia đình ông có 8 khẩu, trung bình chỉ trả tiền nước khoảng 200.000 – 300.000 đồng/tháng, nhưng mấy tháng mất nước mỗi tháng gia đình ông phải bỏ tiền triệu để có nước sạch dùng.


Theo Gia đình &Xã hội