-Dù đã có những quy định rõ ràng cụ thể việc chủ đầu tư nhà ở xã hội phải thực hiện với sự hậu kiểm chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn có những trường hợp “gian lận” khi mua nhà ở xã hội.

Nghịch lý và kẽ hở pháp lý

Thời gian qua, khi báo chí đưa tin về việc “Bố tổng giám đốc được mua nhà ở xã hội” đã làm nóng lên câu chuyện về nhà ở xã hội trong dư luận. Trường hợp ông Lục Minh Kim - hộ khẩu thường trú tại số 12S, BT2-X2, Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, “lọt” vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City. Ông Kim là 1 trong 5 người (trên tổng số hơn 500 người) đạt số điểm số cao nhất (từ 96-100 điểm). Điều đáng nói, ông Lục Minh Kim là bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang – TGĐ và ông Lục Minh Hoàn - Phó TGĐ của BIC Việt Nam. Ông Kim hiện đang sống trong biệt thự của con ông tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội.

{keywords}

Ông Lục Minh Kim - hộ khẩu thường trú tại số 12S, BT2-X2, Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là 1 trong 5 người (trên tổng số hơn 500 người) đạt số điểm số cao nhất (từ 96-100 điểm) trong danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án NOXH Rice City.

Tuy nhiên, không chỉ có trường hợp ông Kim là người thân của ông Hoàn có tên trong danh sách này. Trong danh sách được xét duyệt mua nhà đợt 2 tại dự án Rice City đăng tải trên website Sở Xây dựng Hà Nội còn có 2 người nhà của vị Phó TGĐ BIC Việt Nam cũng “lọt” vào danh sách gồm vợ và mẹ vợ của Phó TGĐ BIC Việt Nam là bà Nguyễn Thị Vinh và bà Hoàng Thị Thanh Vân. Xung quanh vấn đề này dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi, hai mẹ con ruột cùng một hộ khẩu thường trú lại cùng lọt danh sách mua NOXH tại một dự án? Việc xác nhận, xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội đã được chính quyền địa phương, doanh nghiệp, Sở Xây dựng thực hiện “đúng quy trình”?

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết, luật Nhà ở năm 2014 và Chính phủ đã có riêng Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đối tượng được hưởng hỗ trợ nhưng cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể về tình trạng nhà ở, cư trú và thu nhập. Người được hưởng hỗ trợ nhà ở xã hội phải thuộc diện thu nhập thấp, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên theo quy định.

“Nếu xét về mặt pháp lý, những người được chủ đầu tư chấm điểm cao trong danh sách đối tượng được hưởng hỗ trợ nhà ở xã hội, thì đương nhiên sẽ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Bởi thu nhập đôi khi không đồng nhất với thực trạng tài sản của một người. Với nhiều người, tài sản sở hữu của họ có thể thực lớn (đứng tên mình hoặc người liên quan), nhưng xét trên tiêu chí thu nhập vẫn có thể xác định là thu nhập thấp. Đây chính là “nghịch lý” và kẽ hở pháp lý trong xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội” – luật sư Hải nói.

Theo vị Giám đốc Công ty Luật Basico “điều này tưởng chừng vô lý, nhưng lại rất logic, khi nhìn rộng ra thực trạng toàn xã hội. Kê khai tài sản luôn là bài toán khó giải không chỉ trong câu chuyện về nhà ở xã hội. Nếu xét tiêu chí thu nhập thì cỡ chín chục phần trăm cán bộ, công chức của nước ta là người có thu nhập thấp nhưng thực trạng tài sản tích lũy được thì có thể rất lớn”.

“Đúng là pháp luật luôn có một kẽ hở, nên nếu người thực thi bỏ qua mục đích thực sự của chính sách pháp luật,không tôn trọng lợi ích của cộng đồng, của người khác, thì kẽ hở đó sẽ trở thành một lỗ thủng lớn” - luật sư Trần Minh Hải nêu ý kiến.

Sở Xây dựng chỉ công bố lấy ý kiến?

Liên quan đến việc xét duyệt thuê/mua nhà ở xã hội, trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Ngọc Đạm – Trưởng phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay việc xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư tự chấm điểm theo các tiêu chí mà Chính phủ và UBND TP đã quy định rõ.

{keywords}

Chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Với mục đích hướng tới an sinh xã hội, nhằm tạo cơ hội được an cư, được nhận sự hỗ trợ, đùm bọc từ xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh minh họa)

“Chủ các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào thang điểm đó chấm điểm. Chấm điểm xong chủ đầu tư sẽ nộp danh sách lên Sở Xây dựng, Sở sẽ đưa lên trang web công khai. Sau 15 ngày nếu Sở có văn bản gì ý kiến Sở sẽ có văn bản gửi xuống chủ đầu tư xem xét lại báo cáo. Còn nếu sau 15 ngày không có ý kiến gì thì chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với người dân mua nhà. Sau khi ký hợp đồng với người dân mua nhà thì chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng. Sở sẽ đăng danh sách này lên và đây mới là danh sách chính thức” – ông Đạm nêu rõ.

Theo vị cán bộ Sở Xây dựng việc mua nhà ở xã hội được thực hiện theo tinh thần nhà nước là hậu kiểm và chủ đầu tư là người thực hiện những nội dung đó. Dù đã có những quy định rõ ràng cụ thể việc chủ đầu tư phải thực hiện với sự hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, dù đã có những quy định rõ ràng cụ thể việc chủ đầu tư nhà ở xã hội phải thực hiện với sự hậu kiểm chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp “gian lận” khi mua nhà ở xã hội.

Trước đó, thông tin từ Sở Xây dựng cho biết đã phát hiện và thực hiện thu hồi 2 căn hộ chuyển nhượng trái phép tại dự án nhà ở thu nhập thấp CT1- Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) và đình chỉ 8 trường hợp hộ gia đình đăng ký mua nhà 2 lần.

Nêu lên thực trạng về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội, quy định về nhà ở xã hội, về điều kiện và quy trình xét duyệt được quy định tại Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã quy định tương đối rõ về vấn điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hôi, trình tự thủ tục để xét duyệt hồ sơ… Tuy pháp luật đã quy định rõ như vậy nhưng các cơ quan, tổ chức có làm theo hay không là một chuyện khác.

Luật sư Truyền phân tích: “Cũng giống như đường ngược chiều vậy, xe công vẫn được ưu tiên đi vào hay dù có ưu tiên hay không thì đi vào cũng hiếm khi bị tuýt còi. Cái khó ở đây là các doanh nghiệp (chủ đầu tư) tự chấm điểm hồ sơ rồi sau đó nộp lên Sở xây dựng để sở công báo trong 15 ngày nếu không có ý kiến gì thì cho phép chủ đàu tư kí hợp đồng, như vậy thì vai trò của Sở xây dựng ở đây là chỉ đăng công bố lấy ý kiến (lấy ý kiến từ ai) thì làm sao không thể không có nhiều trường hợp trục lợi từ các dự án nhà ở xã hội như vậy được”.

“Vì thế ở đây cần phải nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong các dự án nhà ở xã hội hơn nữa để tránh việc có trục lợi trong các dự án mà xã hội đang cần, đang quan tâm” – luật sư nhấn mạnh.

Luật sư Trần Minh Hải cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Với mục đích hướng tới an sinh xã hội, nhằm tạo cơ hội được an cư, được nhận sự hỗ trợ, đùm bọc từ xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính sách chỉ thực sự có hiệu quả, có giá trị kinh tế, nhân văn khi nó được thực hiện bằng sự tôn trọng pháp luật, bằng danh dự cũng như sự tôn trọng lợi ích của người khác.

Hồng Khanh