Vừa qua, Dân trí đã liên tục đưa tin, phản ánh về những “siêu” dự án, công trình: Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình... Đây là những công trình có vốn từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng hiện đều trong tình trạng thua lỗ, nợ nần như "chúa chổm".
Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư 12.000 tỉ đồng, nhưng qua 4 năm, mỗi năm thua lỗ 2000 tỉ đồng. (Ảnh M.Đ) |
Có những công trình đã nhiều năm "đắp chiếu". Những đề nghị rót thêm vài ngàn tỉ để duy trì sự hoạt động của chúng đang được xem xét, bởi nếu thực hiện, chẳng khác gì tiền nuôi... người nghiện.
Khi chuẩn bị xây dựng những siêu dự án, công trình này, từ 5 năm, 10 năm, 20 năm... về trước, người ta đều luôn khẳng định bằng những lời có cánh: Là chủ trương đúng đắn, phát huy nội lực, thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, cân bằng cán cân thanh toán, tạo công ăn việc làm... Và thực sự, không ít nhà lãnh đạo, nhiều bộ, ngành khi ký quyết định cho thực hiện, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước khi đề xuất, triển khai, không ít người đã thực sự tin vào điều đó.
Nhưng cho đến thời điểm này nhìn lại hàng loạt công trình có qui mô vốn đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước , cũng có một số công trình, dự án đầu tư có hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế. Có thể thấy công trình thủy điện Hoà Bình và gần nhất là các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu mới hoàn thành nhưng thực sự rất có hiệu quả do đóng góp rất lớn sản lượng điện cho hệ thống điện quốc gia, giá thành thấp.
Một số công trình trong ngành dầu khí cũng có thể nói đạt hiệu quả khá cao như Nhà máy Đạm Phú Mỹ, sản phẩm chất lượng tốt và hàng năm đều có lợi nhuận đạt hàng ngàn tỉ đồng và thực sự cũng giúp hạn chế nhập khẩu phân bón, tiết kiệm ngoại tệ, tạo công ăn việc làm như chủ đầu tư mong muốn khi lập dự án.
Nhưng điều đó cũng không làm mờ đi thực tế là ngày càng có nhiều "siêu" dự án, công trình nhưng thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản cận kề. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2000 tỉ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư tới 7000 tỷ đồng nhưng nay đã phải tạm ngừng hoạt động, vốn chủ sở hữu gần như mất trắng.
Một loạt các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol vừa qua được đầu tư nhằm cung cấp nhiên liệu pha trộn để sản xuất xăng sinh học (E5) vừa qua mà Dân trí phản ánh, nhiều công trình đã phá sản, hoặc vẫn còn hoạt động nhưng không khác gì "xác sống" (Zombie). Các công trình này phá sản đặt chủ trương toàn quốc sử dụng xăng E5 trước nguy cơ thất bại hoàn toàn.
Ở một loạt đại dự án này, sự thất bại, đổ vỡ đều có một số đặc điểm chung: Sử dụng công nghệ lạc hậu (phần nhiều các Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đều dùng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc), Nhà máy đạm Ninh Bình đầu tư 700 triệu USD, cũng được chủ đầu tư thừa nhận thất bại là do sử dụng công nghệ lạc hậu, không đồng bộ từ Trung Quốc.
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên trong cảnh hoang tàn |
Nhưng cũng có những dự án thất bại, được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ trước do chủ trương đầu tư sai lầm, do những người lãnh đạo quyết định, phê duyệt dự án không có tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi ích trước mắt, không thấy trước xu hướng hội nhập công trình, dự án sản xuất ra những sản phẩm đó sẽ phải cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, giá lại rẻ do thuế xuất nhập khẩu ngày càng giảm theo cam kết. Điều này có thể nhìn thấy ở hàng loạt nhà máy sản xuất đường, thép, đua nhau thua lỗ, sụp đổ trước làn sóng sản phẩm cùng loại, nhập khẩu từ nước ngoài.
Cho đến thời điểm này, ngay cả những công trình có qui mô cực lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Tổ hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, được đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng cũng đứng trước những khó khăn rất lớn do Việt Nam càng đẩy mạnh hội nhập, thuế suất nhập khẩu xăng dầu hầu hết giảm về 0-5% thì sản phẩm của các nhà máy này khó có thể cạnh tranh nổi.
Nhưng với hàng ngàn tỉ đồng, hàng chục ngàn tỉ đồng đã đầu tư cho mỗi công trình, sự kém hiệu quả, thua lỗ, phá sản sẽ gây lên nhiều hậu quả lớn: Lãng phí, thất thoát vốn ngân sách, khiến ngân sách nhà nước đã khó khăn, lại mất đi một nguồn lực to lớn lẽ ra có thể đầu tư vào những việc, những dự án phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn.
Và vô hình chung, chính việc ra quyết định đầu tư cho những siêu dự án, những đại công trình đó lại làm chậm đi quá trình phát triển của đất nước. Các dự án, công trình phá sản, kéo theo nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Có nhiều người đã nói rằng, việc ra quyết định sai, chủ trương đầu tư sai cho những dự án, công trình đó, gây ra hậu quả lớn hơn cả tham nhũng. Nhưng có ai biết đâu, có thể có những dự án, công trình, chính vì tham nhũng mới có quyết định, chủ trương sai? Bởi có dự án, việc quyết định mua công nghệ lạc hậu mà không lựa chọn công nghệ hiện đại, chọn nhà thầu yếu chứ không chọn nhà thầu có năng lực là có động cơ, lợi ích cá nhân, có phần trăm, hoa hồng của ai đó?
Cho nên nói, với nhiều công trình, dự án lớn có thảm cảnh như ngày hôm nay, phải xem xét, truy cứu trách nhiệm của người lập dự án, người phê duyệt, quyết định cho làm dự án không phải là không có lý. Phải hơn nữa, phải nhìn lại toàn bộ cách thức đầu tư, phê duyệt dự án có vốn đầu tư nhà nước, các dự án do các Tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đầu tư. Bởi chúng ta đã có quá nhiều thực tế, bài học cho thấy, đầu tư từ ngân sách, từ các doanh nghiệp nhà nước phần nhiều là kém hiệu quả.
Cho nên, càng thu hẹp, chuyển đổi hình thức, chuyển đổi cách thức sử dụng vốn đầu tư... đặt trong bối cảnh hội nhập, tự do cạnh tranh, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư mới có thể bớt đi hình ảnh những công trình ngàn tỉ của nhà nước, xây dựng chưa được bao năm đã đắp chiếu, để cỏ mọc lút đầu, hoang tàn.
Theo Dân trí