Hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng liên quan tới quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được dồn nén tại Dự án đường 5 kéo dài (đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long) đã biến công trình hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất trong dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long này trở thành ví dụ kinh điển về sự lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp trong quản lý đầu tư công.

Kỳ I: Vỡ tiến độ, đội vốn khủng

Những cụm từ như “vi phạm”, “sai phạm”, “lãng phí” xuất hiện khá dày trong bản kết luận của Thanh tra Chính phủ về Dự án đường 5 kéo dài đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2153/VPCP -V.I ngày 31/3/2016 về việc xử lý sau thanh tra Dự án đường 5 kéo dài đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long (Dự án đường 5 kéo dài).

{keywords}

Dự án đường 5 kéo dài có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông của TP. Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Theo đó, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tại thời điểm tháng 3/2016) đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 3860/KL – TTCP về Kết luận thanh tra Dự án đường 5 kéo dài; riêng với việc đấu thầu gói thầu số 13 (xây dựng cầu Đông Trù), đồng ý với đề nghị của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 21/UBND – XDCT ngày 25/1/2016.

“UBND TP. Hà Nội tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm được nêu trong Kết luận Thanh tra”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Được biết, UBND TP. Hà Nội cũng được yêu cầu phải xử lý triệt để các kiến nghị về kinh tế của Thanh tra Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2016.

Trước đó, sau gần 2 năm tiến hành thanh tra (bắt đầu từ tháng 2/2014), cuối tháng 12/2015, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất Kết luận Thanh tra Dự án đường 5 kéo dài. Việc một công trình hạ tầng giao thông phải tốn một khoảng thời gian dài kỷ lục để thanh tra như vậy đã cho thấy tính chất phức tạp xét trên cả khía cạnh quy mô lẫn tính chất sai phạm tại Dự án.

Được biết, Dự án đường 5 kéo dài có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông của TP. Hà Nội, với mục đích là gắn kết khu vực phía Bắc của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, với cạnh tam giác kinh tế Hải Phòng - Quảng Ninh, thông qua hệ thống đường vành đai II, III. Với ý nghĩa nói trên, công trình nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư và chấp thuận đưa Dự án nằm trong danh mục các công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đây là công trình do Ban quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn (UBND TP. Hà Nội) trực tiếp chuẩn bị và triển khai đầu tư theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Nguồn vốn đầu tư công trình được lấy từ nguồn thu các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, khi chưa có nguồn thu từ đấu giá đất, tạm sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo Kết luận Thanh tra, công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án đường 5 kéo dài đã bộc lộ nhiều sai phạm, thiếu sót. Đến thời điểm thanh tra, tất cả các gói thầu đều chưa hoàn thành, chậm tiến độ tới 6 năm, “vỡ” mục tiêu đầu tư là hoàn thành kết nối giao thông khu vực trước Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trước đó, theo kế hoạch đấu thầu được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, Dự án gồm 13 gói thầu xây lắp được triển khai từ tháng 6/2005 và hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác triển khai của chủ đầu tư bị đứt đoạn, “giật cục”: năm 2005 khởi công được 2 gói thầu; năm 2006 triển khai 4 gói thầu, năm 2008 triển khai 2 gói thầu; các gói thầu còn lại phải sau 5 năm mới được khởi động tiếp.

Việc để tiến độ bị kéo dài gấp 2,5 lần tiến độ gốc đã khiến tổng mức đầu tư Dự án bị đội lên từ 3.532 tỷ đồng - theo Quyết định phê duyệt dự án 1881/QĐ - UBND ngày 15/4/2005 lên 6.661,75 tỷ đồng theo Quyết định điều chỉnh dự án số 909/QĐ - UBND ngày 7/2/2013. Đây là lý do khiến Thanh tra Dự án cho rằng, Dự án đã xuất hiện hiện tượng “lãng phí ngân sách Nhà nước” và hiệu quả đầu tư thấp.

Liên quan đến sai phạm tài chính được Thanh tra Chính phủ phát hiện tại Dự án lên tới 657,9 tỷ đồng, xấp xỉ 10% tổng mức đầu tư, trong đó số tiền 273,667 tỷ đồng đã được khẳng định; số còn lại 384,274 tỷ đồng, gồm: gói thầu 12 là 48,2 tỷ đồng và gói thầu số 13 là 336 tỷ đồng, cần phải tính toán cụ thể thêm.

“Trách nhiệm thuộc về Ban quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn, tư vấn giám sát và các nhà thầu có liên quan, Thường trực UBND TP. Hà Nội”, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh khẳng định.

Theo Báo Đầu tư