Không bong bóng, giá cũng khó lòng tăng cao, nhà giá rẻ có sức cạnh tranh tốt... là vài nét hình dung về thị trường 2017.

Chia sẻ tại tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?”, ông Hồ Bảo Hùng, Giám đốc bộ phận Định giá và phân tích tài chính Savills Hà Nội đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) 2016 mặc dù khá sôi động nhưng cuối năm lại có dấu hiệu chững lại do nguồn cung phân khúc trung và cao cấp nhiều. Một số nhà đầu tư đã có thay đổi định hướng chuyển sang dòng sản phẩm nhà giá rẻ.

Nhận định thị trường BĐS 2017 rất tốt để phát triển, song ông Hùng cho rằng thị trường BĐS vẫn phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô của năm 2017, đặc biệt là chính sách tín dụng. Hiện trong năm 2016 có tăng trưởng khá tốt về lượng mua do có hỗ trợ tín dụng BĐS, tuy nhiên khi có thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước thì “room” tín dụng dành cho BĐS sẽ dần bị thu hẹp.

Do vậy, sang năm tới liệu tình hình lãi suất có hấp dẫn không? Có rủi ro về việc tăng lãi suất sẽ tác động tới người mua nhà?... là những câu hỏi ông Hùng nêu ra.

“Nhìn chung tôi đánh giá sự tăng trưởng của BĐS năm 2017 là tốt, tuy nhiên các chủ đầu tư cần thận trọng đưa ra các sản phẩm, cũng như cần có chiến lược rõ ràng để có thể đáp ứng nhu cầu của người mua nhà”, ông Hùng nói. Ở góc độ chủ đầu tư, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng, 2017 vẫn là một năm vàng cho những ai muốn sở hữu sản phẩm BĐS.

{keywords}

Bức tranh bất động sản 2017 được các chuyên gia đánh giá với nhiều gam màu khác nhau. Ảnh: Minh Thư

Theo bà Dung, có thể 2 năm qua chúng ta đã chứng kiến sự thanh lọc trên thị trường, những chủ đầu tư làm ăn không nghiêm túc đã bị loại, phần lớn các nhà đầu tư còn lại đều là những nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Cùng với đó, các chính sách về lãi suất tín dụng đặc biệt với khách hàng mua nhà sẽ tiếp tục được triển khai và cũng là sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng, khách hàng vay trực tiếp mua nhà vẫn là đối tượng ở ngưỡng an toàn đối với các tổ chức tín dụng, nếu kênh này phát triển tốt thì thị trường BĐS cũng thuận lợi hơn.

“Giá nhà không còn tăng mạnh vì thị trường đang phát triển giai đoạn ổn định, tuy nhiên thanh khoản sẽ tăng cao. Khách hàng đang quan tâm đến cả chất lượng và giá sản phẩm, mức giá khoảng 25 - 35 triệu đồng/m2 thì thị trường có thể hấp thu tốt bất kỳ thời điểm nào”, bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, hiện có ba đối tượng mua BĐS. Một là khách hàng giàu có, trên 40 tuổi thì họ quan tâm đến BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt là biệt thự nghỉ dưỡng.

Nhóm 2 có tiền tiết kiệm 2 – 3 tỷ đồng, thì quan tâm tới đầu tư condotel hoặc BĐS trung cấp ở thành phố lớn. Nhóm thứ 3 là nhóm có ít tiền và có nhu cầu ở thật thì quan tâm tới BĐS trung cấp và bình dân.

Mặt khác, theo vị Tổng giám đốc này, khi chứng khoán có sự gia tăng thì dòng tiền từ chứng khoán sẽ chuyển sang BĐS nhiều và đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường BĐS 2017.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, sắp tới nếu Chính phủ có những gói hỗ trợ tiếp theo cho phân khúc nhà ở xã hội thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn, còn nếu không có chính sách hỗ trợ thì phân khúc này sẽ gặp khó khăn khi bán sản phẩm tới người có nhu cầu ở thật.

Cũng liên quan đến phân khúc nhà giá rẻ, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc đại diện JLL Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, giá đất hình thành nên BĐS tương đối cao, làm chủ đầu tư phải cân nhắc làm những sản phẩm giá cao nên đây cũng là nguyên nhân khiến nhà giá rẻ hay nhà ở xã hội vẫn đang thiếu vắng.

Trong khi đó, theo ông Quang, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.300 USD/người/năm, với những người dân trong vành đai 4 của Hà Nội mức thu nhập có khá hơn, khoảng 2.500 USD/người/năm. Như vậy, tính bình quân với thu nhập của 2 vợ chồng để mua một căn nhà giá khoảng 1 tỷ đồng thì sẽ mất thời gian từ 4 - 5 năm thu nhập.

Nhưng đối với các chủ đầu tư, làm nhà giá rẻ khó hơn rất nhiều so với làm căn hộ cao cấp bởi phải có khả năng quản trị rất tốt, công ty phải áp dụng công nghệ mới để giảm chi phí… nhưng nếu chỉ làm căn hộ cao cấp thì sẽ gặp khó khăn. Đây cũng là những vấn đề mà các chủ đầu tư cần có chiến lược đầu tư thời gian tới.

Còn theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính), kinh tế thị trường tùy thuộc vào nhu cầu, mà thực trạng thị trường BĐS hiện lệch pha cung cầu, ví như phân khúc nhà bình dân cầu nhiều nhưng cung ít, trong khi phân khúc cao cấp cầu ít nhưng cung nhiều… Đây cũng là lý do tại sao tháng 10 vừa qua Ngân hàng Nhà nước lại có văn bản yêu cầu rà soát tín dụng cho vay, đặc biệt với BĐS cao cấp.

“Tôi cho rằng, khả năng bong bóng BĐS năm 2017-2018 là rất khó. Bởi, bong bóng BĐS biểu hiện khi giao dịch tăng liên tục mà giá không tăng, giao dịch thành công ở thực trạng đầu cơ, còn hiện làn sóng đầu cơ BĐS mới bắt đầu manh nha”, ông Long cho hay.

Theo 24h