Mạng công dân toàn cầu (Global Citizen Network gọi tắ là GCN) là thành viên của Mạng Giáo dục công dân toàn cầu (Global Citizen Education Network- GCEN), của Đại học California Los Angeles (UCLA) và UNESCO, chính thức ra mắt vào ngày hôm nay 21/3/2017.
Từ ngày 1/4/2017, mọi công dân trên thế giới có thể đăng ký thực hiện bài kiểm tra hiểu biết về các chuẩn mực của một công dân toàn cầu để từ đó có thể đăng ký tham gia Chương trình Lãnh đạo Toàn cầu, hoặc Chương trình Hỗ trợ Công dân toàn cầu với tên gọi Diễn đàn công dân toàn cầu.
Mạng Công dân toàn cầu
Bốn trụ cột được xem là triết lí giáo dục của tổ chức UNESCO đó là “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”. Một nền giáo dục có sức sống là nhờ trong xã hội có nhiều người học và ham học, có tri thức để giúp mỗi cá nhân có thể giải quyết được những khó khăn, thách thức đặt ra trong cuộc sống hôm nay không chỉ bằng định chế pháp lý mà còn dựa trên những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của con người.
Dựa trên những triết lí ấy, Mạng Công dân toàn cầu, địa chỉ website là GlobalCitizens.Network khuyến khích mỗi công dân thực hiện bài kiểm tra từ đó tự đánh giá bản thân theo Bảng điểm Công dân Toàn cầu và Bảng Điểm Nhà Lãnh Đạo Toàn Cầu. Mạng Công dân toàn cầu đề cao giá trị lòng nhân ái, sự sáng tạo, tinh thần dấn thân…từ đó giúp cá nhân cảm thấy tự tin hơn để có thể trở thành những công dân toàn cầu ưu tú, những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trên toàn cầu. Thậm chí, với những người chỉ là công dân bình thường không có chức vụ trong xã hội nhưng nếu họ có khát vọng, lòng nhiệt huyết dâng hiến thì vẫn có cơ hội để trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu.
Tòa nhà Royce Hall, Đại học California Los Angeles (UCLA). |
Mạng Công dân Toàn cầu khuyến khích mỗi cá nhân áp dụng những quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức vì hòa bình và an ninh trên không gian mạng. Bởi hiện nay tình trạng phát tán thông tin không đúng sự thật, giả mạo thông tin, hay các cuộc tấn công lấy cắp dữ liệu đang làm nhiễu loạn đời sống xã hội con người. Nếu mỗi công dân toàn cầu nghiêm túc áp dụng bộ quy tắc chuẩn mực sẽ góp phần mang đến sự hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Mạng Công dân Toàn cầu cũng giúp những cá nhân ở những nước đang phát triển, các nước nghèo nàn lạc hậu vượt qua được sự mặc cảm, tâm lí tự ti, công dân hạng hai bằng cách tạo ra môi trường thân thiện, có sự giao lưu và tương tác giữa các công dân toàn cầu ưu tú, các công dân toàn cầu ở các nước văn minh với các chuyên gia, học giả uy tín hàng đầu.
Các học giả lãnh đạo Mạng Công dân toàn cầu cho rằng chỉ có sự cọ xát, giao lưu và chia sẻ công việc, cùng nhau tham gia tổ chức các hoạt động xã hội có ích thì khi ấy sẽ xóa được tâm lý trên. Những học giả có uy tín hàng đầu, Những công dân toàn cầu ưu tú như Roya Mahboob, Shubaru, Mario Macilau, Armand Diangenda là những người đã có những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực khác nhau, được các tạp chi Times, Foreign Policy vinh danh trong top 100 người có ảnh hưởng nhất, top 100 nhà tư tưởng hàng đầu, hay các bạn sinh viên đang theo học ở các trường đại học hàng đầu thế giới sẽ cởi mở, nhiệt tình trợ giúp thắp sáng thêm năng lực và tâm thế của mỗi công dân toàn cầu.
GS Thomas Patterso, Đại học Harvard, Tổng Giám đốc Mạng Công dân toàn cầu. |
Giáo sư Thomas Patterson, Đại học Harvard, Tổng giám đốc Mạng Công dân Toàn cầu khẳng định đây là một cách làm mới, tạo ra môi trường học tập từ thực tiễn. Đặc biệt là học tập theo yêu cầu, học qua làm việc, giải quyết vấn đề từ thực tế cuộc sống của người học. Khi nhận được những vấn đề cần giải đáp của người học, các nhà giáo dục toàn cầu sẽ đưa ra những tư vấn, gợi ý tham khảo tư liệu, thông tin hữu ích hoặc những nguồn lực khác nhau có thể trợ giúp xử lí vấn đề của người học. Từ đó người học sẽ định hình được phương pháp tư duy và cách thức xử lí.
Giáo sư Carlos Torres, trường ĐH UCLA, Chủ tịch chương trình công dân toàn cầu của tổ chức UNESCO cho biết, chính vì muốn đem lại lợi ích thiết thực qua việc giới thiệu những cơ hội làm việc mới, cũng như nêu lên những thách thức toàn cầu do cuộc cách mạng công nghệ mới đem đến, Mạng Công dân toàn cầu sẽ tổ chức giao lưu, thảo luận với các Giáo sư, chuyên gia, các nhà lãnh đạo công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng đến từ các trường Đại học hàng đầu như Harvard, MIT, Cambridge, Oxford, ĐH Brown, UCLA và các nhà lãnh đạo đang làm việc tại Google….
Bảng điểm Công dân toàn cầu và Bảng điểm Lãnh đạo toàn cầu
Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu của Đại học UCLA và tổ chức UNESCO đã khởi xướng việc chấm điểm, đánh giá kết quả đạt được của mỗi công dân thông qua Global Citizen Scorecard (Bảng điểm Công dân toàn cầu) và Global Leader Scorecard (Bảng điểm Lãnh đạo toàn cầu). Thang điểm thể hiện rõ những chuẩn mực giá trị đã được đề ra và được định lượng hóa qua kết quả điểm cá nhân đạt được để từ đó mỗi công dân tự suy ngẫm bản thân mình đang ở đâu để tiếp tục phấn đấu.
Nếu công dân có những thành tích xuất sắc, có điểm số tự chấm cao, Hồi đồng Phát triển Công dân Toàn cầu sẽ xem xét đánh giá độ chính xác việc tự chấm điểm của công dân đó và khuyến nghị điểm thực tế đạt được. Điều này góp phần giải phóng việc học hành không chỉ để lấy bằng cấp, chứng chỉ mà khuyến khích mỗi cá nhân nên nỗ lực làm việc và cống hiến, tạo ra những giá trị thực sự cho bản thân và xã hội.
Giao lưu âm nhạc cổ điển
Âm nhạc cổ điển là một trong những giá trị tinh hoa của thế giới. Mạng Công dân toàn cầu sẽ có những chương trình giới thiệu các tác phẩm nhạc cổ điển và giao lưu, kết nối với các dàn nhạc lớn trên thế giới như Dàn nhạc Giao hưởng của Viên, Dàn nhạc giao hưởng Boston…Đặc biệt Mạng công dân Toàn cầu ra đời vào ngày 21/3/2017 là dịp đặc biệt tri ân đến các nhà soạn nhạc lớn, đúng vào ngày sinh nhật của nhạc sĩ bất tử Johann Sebastian Bach, hay kỉ niệm 190 năm ngày mất của thiên tài bất tử Beethoven.
Ngoài ra, Mạng Công dân toàn cầu sẽ hợp tác giới thiệu mỗi tuần một nội dung về văn hóa nghệ thuật cho các công dân toàn cầu cùng học hỏi, chia sẻ, bàn luận, đây là cách rất hợp lý và cần thiết thay vì nhiều nơi cho rằng học ngoại ngữ. Chỉ ít năm nữa thôi, các phần mềm dịch tự động sẽ trợ giúp về ngôn ngữ, nhưng sự cần thiết cốt lõi của một công dân toàn cầu vẫn là hiểu biết về giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại.
Hoàng Lan