- Mục đích lớn xuyên suốt chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc”. 

>> Ngày mai, Tổng bí thư lên đường thăm Trung Quốc

Tinh thần 16 chữ và 4 tốt

Cuối tháng 9, trong bức điện mừng Quốc khánh Trung Quốc, gửi từ Hà Nội tới Bắc Kinh, tân Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã bày tỏ vui mừng trước sự phát triển không ngừng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Bức điện khẳng định thông điệp được nhiều lần nhắc đến trước đây: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức quý trọng tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc anh em, sẵn sàng cùng phía Trung Quốc không ngừng nỗ lực để củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc là đối tác lớn ngoài khu vực đầu tiên ông đến thăm trong vai trò người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam. 

Trung Quốc là đối tác lớn ngoài khu vực đầu tiên Tổng bí thư
đến thăm trong vai trò người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam
 

Năm 2008, người tiền nhiệm của ông, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. Hai bên một lần nữa khẳng định: “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, luôn luôn nắm vững phương hướng phát triển đúng đắn của quan hệ hai nước, đảm bảo chắc chắn cho quan hệ hai nước phát triển lâu dài, ổn định và lành mạnh”.

Mục đích lớn xuyên suốt chuyến thăm chính thức Trung Quốc giữa tháng 10 lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Ông sẽ cùng các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt - Trung trên mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục...

Hợp tác toàn diện

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ từ 1991 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt - Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên các lĩnh vực. Về hợp tác Đảng, hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các ban Đảng, đồng tổ chức hội thảo lý luận về kinh nghiệm phát triển đất nước, xây dựng CNXH, xây dựng, giao lưu, gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung...

Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, ký nhiều hiệp định cấp chính phủ và các văn kiện hợp tác khác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Về hợp tác kinh tế, thương mại, , Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng nhanh. 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt 15,7 tỷ USD.

Tính đến tháng 7/2010, Trung Quốc có 805 dự án đầu tư trực tiếp đang triển khai ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD, đứng thứ 14/92 quốc gia và khu vực có đầu tư vào Việt Nam.

Quan hệ giữa các địa phương hai bên là một trong những “điểm sáng” với các hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh, khu với các tỉnh biên giới của Việt Nam cũng như các địa phương nằm trong "Hai hành lang, một vành đai".

Ước tính hàng năm hai bên trao đổi trên 100 đoàn ở cấp lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, đoàn thể quần chúng, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh của hai nước được tăng cường với các thỏa thuận hợp tác được ký kết như thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (12/2002), hai Bộ Công an (9/2003), hai Bộ Quốc phòng (10/2003). Trao đổi, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa - thể thao... cũng được đẩy mạnh.

Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết thành công việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Thành công trên chứa đựng những bài học và niềm tin để hai bên tiếp tục xử lý vấn đề còn tồn tại giữa hai nước liên quan đến Biển Đông. Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần trước cho hay, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, "những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề trên biển, sẽ được hai bên trao đổi chân thành và thẳng thắn".

Lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước khẳng định niềm tin tìm ra những giải pháp để giải quyết thỏa đáng vấn đề này, thống nhất giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Linh Thư