Lực lượng không quân Trung Quốc đã tiến hành một trong những cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Động thái diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh có những tranh chấp căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Nam Á.
>> Philippines ngừng đóng dấu vào hộ chiếu 'lưỡi bò' TQ
Ảnh: chinadefense |
Báo chí Trung Quốc hôm nay đưa tin, cuộc tập trận tác chiến trên không có sự tham gia của hơn 100 phi công, kéo dài 11 ngày ở khu vực rộng lớn Tân Cương. Tham gia diễn tập có những máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Trung Quốc như J-10 và J-11.
Trong khi cuộc tập trận diễn ra, hải quân Trung Quốc lần đầu tiên đã cho ra mắt máy bay vận hành trên tàu sân bay nước này. Diễn tập được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động quả quyết trong vấn đề chủ quyền trên biển: với Nhật Bản ở Hoa Đông, với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông.
Theo Tân Hoa xã, 4 tàu hải giám Trung Quốc đã tuần tra ở vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku). Cục quản lý Đại dương quốc gia Trung Quốc cho hay, các tàu này đã tuyên bố lập trường của chính phủ Trung Quốc về Điếu Ngư đối với các tàu Nhật "xâm nhập trái phép". Tàu hải giám đã yêu cầu các tàu Nhật rời khỏi vùng biển, và thu thập các bằng chứng mà SOA gọi là "xâm phạm chủ quyền" của Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật nhưng Trung Quốc cũng đưa ra khẳng định chủ quyền.
Trong khi đó, tại Biển Đông, Trung Quốc càng có thêm nhiều hành động lấn lướt. Ngày 6/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên vu cáo Việt Nam đuổi các tàu cá Trung Quốc ở vùng biển gần tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, trong khi chính cặp tàu kéo dã cào của Trung Quốc gây đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển Việt Nam.
Trung Quốc đã in hình bản đồ đường chín đoạn (bản đồ làm cơ sở để Trung
Quốc khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông) lên hộ chiếu mới khiến
nhiều nước trong khu vực phản ứng mạnh mẽ.
Trung Quốc còn tuyên bố từ đầu năm tới sẽ áp dụng quy định cho phép cảnh sát biển ngăn chặn và kiểm tra cái mà họ gọi là "tàu lạ xâm nhập trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc" khiến không chỉ có các nước trong khu vực mà ngay cả nhiều quốc gia bên ngoài như Ấn Độ, hay Mỹ cũng phải bày tỏ sự quan ngại vì nó đe dọa tới tự do hàng hải.
Biển Đông là nơi nhiều nước tuyên bố chủ quyền, trong đó Trung Quốc đưa ra yêu sách lớn nhất, kể cả những ranh giới lượn sát bờ biển nước khác.
Thái An (theo AP, THX)