Bí quyết của New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan và Thuỵ Điển - những quốc gia ít tham nhũng nhất trong bảng xếp hạng hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI).

Dĩ nhiên, họ không hoàn toàn hoàn hảo nhưng rất nhiều người vẫn muốn biết cách thức các nước này kiểm soát tham nhũng thế nào.

Ảnh: wordpress

Bên cạnh việc thực thi luật pháp, ở đây có một sự đồng thuận rộng rãi rằng, đấu tranh chống tham nhũng cần sự tham gia của người dân và các cơ chế minh bạch như cung cấp, công bố thông tin. Kết quả sơ bộ từ việc nghiên cứu các nước Phần Lan, Đan Mạch và Thuỵ Điển cho thấy, “hệ thống toàn vẹn” này hoạt động tương đối hiệu quả.

Những điều gì làm nên “các hệ thống toàn vẹn quốc gia” của họ ngày một hiệu quả hơn?

Bên cạnh cam kết chống tham nhũng mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo chính trị, Phần Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch và New Zealand đều chia sẻ một số điểm chung liên quan tới mức độ tham nhũng thấp.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, tự do báo chí rõ ràng liên quan tới việc kiểm soát tham nhũng. Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển và New Zealand đều có GDP bình quân đầu người ở mức cao, tỉ lệ bất bình đẳng thấp, tỉ lệ biết chữ đạt gần 100% và các vấn đề con người được ưu tiên (như bình đẳng giới, tự do thông tin…). Cần nhớ rằng, nguyên tắc tiếp cận công khai các tài liệu chính thức của người Thuỵ Điển là một trong những nguyên tắc lâu đời nhất được thiết lập trên thế giới, với lịch sử từ năm 1766.

Quan trọng là tất cả những điều trên đều được thực hiện tốt trong sự cởi mở và hiệu quả của chính phủ.

Các nước đạt kết quả tốt trong bảng xếp hạng thường có truyền thống về một chính phủ cởi mở, hoạt động dân sự tích cực, và lòng tin xã hội với sự minh bạch mạnh mẽ và cơ chế trách nhiệm giải trình cho phép người dân được giám sát các chính khách, khiến họ có trách nhiệm hơn trong hành động và quyết định của mình.

Vậy cần làm những gì?

Các thông tin ngân sách nếu bị giữ kín sẽ tạo điều kiện cho việc biển thủ công quỹ. Vì thế, các nước cần tìm kiếm nỗ lực thúc đẩy công bố thông tin để người dân tham gia vào quá trình giám sát ngân sách. Chỉ số cởi mở ngân sách cho thấy, Thuỵ Điển cho phép người dân đánh giá chính phủ của họ trong việc quản lý công quỹ.

Với bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, Đan Mạch buộc các bộ trưởng hàng tháng phải công khai thông tin về những chuyến đi và quà tặng.

Bí quyết mỗi quốc gia

New Zealand rất coi trọng các yếu tố như nguyên tắc pháp quyền, sự độc lập của cơ quan tư pháp, phản biện và trách nhiệm giải trình, minh bạch, tự do báo chí và trình độ dân trí... trong nỗ lực chống tham nhũng. Nguyên tắc chính phủ mở và minh bạch cũng là một nhân tố quan trọng. Dựa trên nền tảng dân chủ, Chính phủ New Zealand luôn cam kết minh bạch hóa các dữ liệu từ các cơ quan công quyền để đảm bảo người dân có thể tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời. 

Đan Mạch có cơ quan Phát triển Quốc tế nổi tiếng với chính sách không khoan nhượng. Cơ quan này kiên quyết chống nạn đút lót và tham nhũng trong tất cả thỏa thuận chính phủ cũng như các hợp đồng giữa các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Tất cả những cuộc họp quốc hội ở Đan Mạch đều mở cửa cho quảng đại quần chúng, và bất kỳ công dân nào cũng có thể liên lạc và đặt câu hỏi cho những chính trị gia. Hệ thống chính trị cũng được toàn bộ cử tri giám sát và đánh giá qua báo chí.

Còn tại Phần Lan, người dân sẽ không dung thứ cho hành vi tham nhũng, dù ở trong hay ngoài nước. Mô hình minh bạch của Phần Lan không chỉ dựa trên chính sách chính phủ mà còn dựa trên đặc điểm chính trị và văn hóa rộng lớn của lòng tin xã hội nhà nước minh bạch, thực hành dân chủ, và hoạt động xã hội dân sự, trách nhiệm cá nhân, phúc lợi rộng rãi. Nhà nghiên cứu Darren C.Zook giảng dạy khoa học chính trị và quốc tế tại Đại học Berkeley, Mỹ lý giải về nền chính trị sạch ấy của Phần Lan: “Nền chính trị sạch của Phần Lan là kết quả của sự không khoan nhượng với tham nhũng từ người dân cùng những chính sách giúp cho hệ thống cởi mở, minh bạch”.

Thụy Điển thì nổi tiếng là xã hội tự do và cởi mở, thể hiện ở nhiều khía cạnh như tự do báo chí, tự do tham gia tuần hành, tự do diễn thuyết, quyền phát biểu... Hiến pháp Thụy Điển dẫn nhập bằng các từ ngữ: "Tất cả quyền lực công đều bắt nguồn từ người dân".

Thụy Điển có luật về quyền được tiếp cận thông tin, và điều này giúp hiện thực hóa sự minh bạch trong xã hội. Người dân nói chung và các phương tiện truyền thông có quyền tiếp cận tài liệu, hồ sơ chính thức. Nguyên tắc tiếp cận công khai với các tài liệu chính thức cũng có nghĩa là viên chức hay những người khác làm việc cho chính phủ được tự do thông tin cho báo chí hoặc người ngoài về những gì họ biết.

Thái An (tổng hợp)