- Phát biểu tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) hôm nay (10/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần nhấn mạnh cam kết tăng cường giám sát các doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng cám ơn các nhà tài trợ quốc tế trong 20 năm qua đã hợp tác, giúp đỡ, theo sát từng bước phát triển của Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể: từ một nước nghèo trở thành một quốc gia thu nhập trung bình, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 140 USD lên xấp xỉ 1.600 USD, sớm hoàn thành cơ bản các mục tiêu thiên niên kỷ và xóa đói giảm nghèo.

"Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng Việt Nam mà còn là niềm vui chung của Việt Nam và các nhà tài trợ về sự hợp tác kiên trì, có hiệu quả và rất thành công trong suốt 20 năm qua", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các DNNN, tập đoàn kinh tế, ngân hàng thương mại. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Thủ tướng nhận định, Việt Nam đã vượt qua năm 2012 có nhiều khó khăn với kết quả kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng GDP ước đạt 5,2%. Điểm sáng là nông nghiệp tăng trưởng cao, lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng, tỉ giá ổn định, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, doanh nghiệp còn khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt năng lực dự báo kinh tế - xã hội còn hạn chế, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, năm 2013 đối với Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Nhấn mạnh một khó khăn lớn là tiến trình cổ phần hóa DNNN còn chậm, quá trình tái cơ cấu đầu tư, DNNN, thị trường tài chính, ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn, Thủ tướng cho biết trong các giải pháp của năm 2013 là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN.

"Đẩy mạnh, đẩy nhanh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hoàn thiện thể chế để đặt DNNN hoạt động đầy đủ trong cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, công khai, minh bạch hoạt động như các doanh nghiệp đại chúng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng cường kiểm tra giám sát các DNNN cũng như các ngân hàng thương mại", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó là các giải pháp minh bạch thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả ngân sách và vốn xã hội hóa trong củng cố kết cấu hạ tầng, tăng trưởng xanh, tập trung đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng... để "môi trường thương mại đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn không thua kém các quốc gia trong khu vực".

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế. "Việt Nam đang tham gia tích cực và có trách nhiệm trong đàm phán Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc...".

Cam kết với các nhà tài trợ quốc tế thực hiện đầy đủ hơn cơ chế thị trường, hội nhập, dân chủ, công khai và minh bạch hơn, Thủ tướng một lần nữa cam kết "tăng cường kiểm tra, giám sát có hiệu quả hoạt động của các DNNN, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước và các ngân hàng thương mại".

"Việt Nam tin tưởng vào những chính sách, biện pháp điều hành của mình", Thủ tướng chia sẻ. "Nhưng chúng tôi không hề coi thường những hạn chế, yếu kém, khó khăn, không thỏa mãn mà sẽ hết sức nỗ lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra".

Chung Hoàng