- Là một tên tuổi kỳ cựu ở QH, GS Nguyễn Lân Dũng kể lại lần ông ứng cử ở Bà Rịa - Vũng Tàu (khóa X), có nữ ứng viên biết mình là “quân xanh” đã “phản công” ngoạn mục…

LTS: Quốc hội khóa XII đã đi được gần hết chặng đường, khi kỳ họp cuối cùng sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này. Với nhiều người trong số gần 500 đại biểu, 4 năm ở nghị trường là 4 năm của tâm huyết, của cống hiến trí tuệ. Mời bạn đọc cùng VietNamNet chia sẻ với những trăn trở đọng lại của một số tên tuổi ở Quốc hội.

Bài 1: Đừng để ai đó nghĩ mình là 'quân xanh'

Cơ cấu hay “quota”  

- Thưa ông, cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII đang được khởi động trong cả nước. Sau 3 khóa tức là 14 năm ở nghị trường, ông hy vọng gì ở các đại biểu mới? Làm thế nào để có nhiều Nguyễn Lân Dũng trong số họ, tức là những đại biểu có trình độ, sắc sảo đến độ phát biểu của họ được chờ đợi ở các phiên thảo luận?

Chúng ta đang mắc phải một điều rất khó nói, mà vừa rồi tôi đã phải nói ra tại QH: đó là vấn đề cơ cấu. Trung ương định ra bao nhiêu phần trăm nữ, bao nhiêu phần trăm dân tộc, bao nhiêu phần trăm trẻ, bao nhiêu phần trăm ngoài Đảng, địa phương kết hợp lại thành một người: một cô cán bộ vừa trẻ, vừa là người dân tộc, vừa là nữ, vừa tạm thời chưa kịp là đảng viên (nhưng trúng cử xong là được kết nạp Đảng ngay).

Tôi đặt câu hỏi thì được trả lời đây không phải chủ trương của QH nhưng địa phương cứ làm, vì nếu chọn 4 người xuất sắc thuộc đúng các thành phần trên thì hết chỗ cho cán bộ của địa phương.


Nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng trên diễn đàn QH. Ảnh: HLong

Tôi biết nói thế này là động chạm nhưng vẫn phải nói: không nên có cơ cấu kiểu đó, không nên có cái quota đó. Đã là dân tộc ít người phải là già làng, trưởng bản có tiếng nói đại diện cho dân tộc đó, đã là nữ phải là người phụ nữ xuất sắc, đã là trẻ phải là thanh niên ưu tú, đã là ngoài Đảng phải là ngoài Đảng từ đầu đến cuối, không thể lấy một người cho phù hợp cả 4 tiêu chí.

Hãy giao Đoàn Thanh niên chọn người trẻ ưu tú, giao Hội Phụ nữ chọn nữ tiêu biểu, Ủy ban dân tộc đề cử người uy tín, MTTQ chọn người ngoài Đảng. Nếu còn giao cho tỉnh đề cử như hiện nay thì mọi việc lại trở lại như những kỳ họp trước với vài chục cô gái trẻ như thế.

Bầu cử cũng nên có trình độ ngang nhau. Kỳ thứ nhất tôi ứng cử ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đã gặp một trường hợp rất đáng nhớ: địa phương muốn lấy một nữ công nhân có trình độ kỹ sư đang làm trong ngành dầu khí rất xuất sắc, nhưng họ chọn thêm một nữ kỹ sư khác trong ngành thuỷ sản đang sắp sinh cháu bé. Nhưng kết quả thật đáng giật mình. Cô làm thủy sản có lẽ biết mình là “quân xanh” nên đã viết một bài rất hay với lời hứa vào QH sẽ yêu cầu bỏ tất cả các loại thuế. Dù rất vô lý nhưng người dân nghèo rất thích, cho nên có số phiếu ủng hộ cô rất cao ở các khu vực nông thôn.

Từ đó rút ra kinh nghiệm là chọn ứng cử viên phải chọn người  xứng đáng, có thể chênh nhau ít nhiều nhưng đừng để có người mang dạng “quân xanh”, vừa xúc phạm người đó, vừa dễ phản tác dụng.

Vì sao dân tìm nhiều đến anh Quốc, anh Thuyết và tôi? 

- Đâu là bí quyết để ông trở thành một nghị sĩ phản biện mạnh mẽ? 

Tôi không chỉ nêu những bức xúc mà còn kiến nghị cả những giải pháp. Nếu chỉ nói bức xúc sẽ gây những căng thẳng trong QH mà không giải quyết được vấn đề gì.

Tôi luôn nói lên bức xúc của dân, với cách diễn đạt gần gũi với quần chúng, giàu hình ảnh nên được người dân thích. Ví dụ nói tham nhũng thì nhiều người nói, nhưng tôi lấy cách nói mà tôi nghe được từ chính nhân dân: “Chống tham nhũng không thể như quét cầu thang từ dưới lên”.

Nhưng thực sự là không thể nói hết được tất cả những bức xúc của người dân. Thường mỗi kỳ họp, tôi chọn lọc ra 5-6 vấn đề mà nhân dân bức xúc nhất trong năm, cố gắng truyền tải tại diễn đàn QH, đồng thời kiến nghị các giải pháp khả thi.

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng và nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc bên hành lang QH. Ảnh: Lê Anh Dũng
- ĐBQH cũng là người thường xuyên tiếp xúc cử tri và nhận được rất nhiều đơn thư của người dân? 

Nhiệm vụ lớn thứ hai của tôi chính là giúp cử tri chuyển một số lượng đơn thư rất lớn đến các cơ quan liên quan. Điều tôi thắc mắc là tại sao họ không tìm đến các đoàn ĐBQH địa phương mình mà cứ tìm đến anh Dương Trung Quốc, anh Nguyễn Minh Thuyết và tôi.

Đó là vì các đoàn ĐBQH ở các địa phương thường cũng ngại va chạm với lãnh đạo tỉnh, trong khi những bức xúc của dân kiểu gì cũng dính dáng đến các cơ quan công quyền địa phương. Có những đoàn ĐBQH theo tôi biết, không cho phép ĐB gửi thẳng thư chuyển đơn đến các cơ quan hữu quan mà phải chuyển qua Văn phòng của đoàn. Như thế là sai luật và hạn chế lớn quyền hạn của ĐBQH.

Cũng có nhiều ĐBQH ngại tiếp xúc cử tri. Người dân kêu là gặp ĐBQH của tỉnh rất khó, họ có lịch trực nhưng cứ theo lịch thì lâu lắm mới có một buổi. Mà nhiều khi chỉ được gặp thư ký của đoàn, trong khi người dân cần gặp trực tiếp ĐBQH, nhất là trưởng đoàn để đối thoại.

Dân chủ trong Quốc hội

- Vậy sau 3 khóa gắn bó, còn điều gì khiến ông băn khoăn trăn trở với QH? 

Kỳ họp vừa rồi tôi đã phải mạnh dạn nói ra: mỗi đảng viên có hai trách nhiệm, một là trách nhiệm với Đảng, hai là trách nhiệm với khoảng 1 vạn 7 nghìn dân cư địa phương đã bầu ra mình, và với toàn thể cử tri trong cả nước. Đó cũng đều là những người có trình độ, tư duy và có đầu óc phân tích, họ phải có toàn quyền phản ánh ý kiến của nhân dân.

Lấy ví dụ dự án đường sắt cao tốc. Đã có những phương án khác rất hay được đưa ra, trong đó có đường sắt hai chiều khổ rộng 1,4m, nước ta có thể tự làm hoàn toàn không phụ thuộc vào nước ngoài, thời gian chạy từ Hà Nội vào TP.HCM là 10 tiếng, so với đường sắt cao tốc là 6 tiếng, vấn đề là ta cần rẻ hay ta cần nhanh.

Đơn cử đường sắt cao tốc ở Đài Loan. Tôi đã tận mắt chứng kiến cũng như được Trưởng văn phòng đại diện VN ở Đài Loan cho biết là thua lỗ. Vì vé tàu cao tốc còn đắt hơn cả vé máy bay, thu nhập đầu người của họ gấp cả chục lần ta mà họ còn không đi tàu cao tốc.

Tôi phải nói ra vì nếu các ĐBQH là đảng viên lại phải chịu áp lực trách nhiệm với Đảng mà thông qua dễ dàng dự án thiếu khả thi này thì không nên, và vi phạm tính dân chủ trong cơ quan quyền lực cao nhất.

Với đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Lê Anh Dũng
- Nếu được mời làm người “đào tạo” hay “truyền nghề” cho các ĐB khóa mới, ông sẽ nói gì với họ?

Tôi sẽ nhấn mạnh với họ điều quan trọng nhất: Hãy có trách nhiệm với cử tri. Hãy cố gắng đấu tranh bằng được cho lợi ích của cử tri, cố gắng tháo gỡ những oan sai họ đang phải chịu đựng.

ĐBQH phải ý thức rằng quyền hạn của mình rất lớn, có thể yêu cầu gặp trực tiếp bí thư và chủ tịch tỉnh. Nếu tận dụng tốt những lợi thế của mình, các ĐBQH sẽ giúp đỡ và giải quyết được rất nhiều những khúc mắc, khó khăn cho cử tri.

- Câu hỏi cuối: Ông có nhắn nhủ gì đến QH khóa mới không? 

Tôi mong trong những kỳ họp tới, QH sẽ sớm sửa đổi Luật đất đai đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập trong thực tiễn.

Tôi mong QH tạo điều kiện tốt hơn cho các ĐB làm việc, đặc biệt là địa điểm làm việc. Tôi còn có thể làm việc ở nhà, chứ ĐB Dương Trung Quốc phải thuê một phòng ở Bảo tàng Lịch sử làm văn phòng và thuê một nhân việc giúp việc, đều bằng tiền túi. Còn rất nhiều ĐB hiện cũng đang gặp khó khăn về nơi làm việc như vậy.

Thủy Chung

Không thể lúc nào cũng “nhường” người khác phát biểu
“Được lòng dân thì mất lòng quan”

Không thể ngồi gật gù