Barack Obama tái đắc cử, Trung Quốc có lãnh đạo mới là Tập Cận Bình, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn trong năm tới, từ hậu quả khủng hoảng kinh tế đến tình hình hỗn loạn Trung Đông.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn trong năm 2013

'Vách đá tài chính'

"Không vấn đề nào thuộc chính sách đối ngoại năm 2013 sẽ tác động nhiều tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu việc Mỹ và châu Âu có thể đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế của họ", Jessica Mathews, chủ tịch Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie cho biết.

Trừ phi một thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Obama và phe Cộng hòa vào cuối năm nay, nếu không Mỹ sẽ va vào "vách đá tài chính" - kịch bản tăng thuế kèm theo cắt giảm mạnh ngân sách liên bang - sẽ tự động có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. "Vách đá tài chính" được tin là có thể châm ngòi cho cuộc suy thoái khác ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Nếu các đảng phái chính trị Mỹ có thể nhất trí cách thức phá tan vách đá tài chính, các giải pháp kinh tế có thể giúp mở đường cho đầu tư tư nhân, phục hồi kinh tế, đem lại khả năng và trọng lượng mới cho vai trò quốc tế của đất nước", bà Mathews cho biết.

Với châu Âu, "thách thức vẫn là tập trung duy trì kỷ luật kinh tế và ý chí chính trị”, chuyên gia Mỹ giải thích. Bà cảnh báo, các quốc gia như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cần "duy trì cách xử lý cứng rắn, tránh thoái trào (đặc biệt là Pháp) và tiếp tục hướng tới phục hồi tăng trưởng".

GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo sẽ giảm 0,3% trong năm tới, nhưng Justin Vaisse, giám đốc nghiên cứu Mỹ và châu Âu tại Viện Brookings tin rằng, mức độ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã ở phía sau. Tuy nhiên, chuyên gia người Pháp bày tỏ sự lo lắng về tác động suy thoái toàn cầu với Trung Quốc.

Vaisse nói về một viễn cảnh ảm đạm khi khu vực đồng euro cắt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc dẫn tới những hậu quả chính trị, xã hội và địa chính trị ở Trung Quốc.

Tranh chấp lãnh thổ và vai trò Mỹ


Khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, các chuyên gia ngày càng lo ngại về khả năng một cuộc chạy đua vũ trang và thậm chí là xung đột vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tranh chấp lãnh thổ tưởng như vô thưởng vô phạt ở những quần đảo xa xôi, hầu như không có người ở có thể châm ngòi cho những xung đột quân sự giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ có hiệp ước quân sự với Nhật nhưng cho tới nay vẫn tuyên bố không đứng về bên nào.

“Các láng giềng của Trung Quốc trông đợi Mỹ trở thành lực lượng đối trọng về quân sự và chính trị với Trung Quốc, nếu không có yếu tố này có thể dẫn tới việc một quốc gia ‘rảnh tay’ hơn để hoàn toàn thống trị khu vực”, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Harold Brown, cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói.

Iran, Syria

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn là “vấn đề nóng bỏng” trong năm 2013 với “nhiều khả năng bùng nổ xung đột khu vực”, Vaisse nói. Các cường quốc chính và Israel nghi ngờ Tehran phát triển vũ khí nguyên tử dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Iran bác bỏ mạnh mẽ điều này.

Trong khi Iran kiên quyết theo đuổi nỗ lực làm giàu uranium "thì logic của thập niên trước trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kết hợp đàm phán đã chấm dứt”, Vaisse nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Brown cho rằng, các biện pháp cấm vận đã có tác dụng lớn và khuyến cáo một đề xuất mạnh mẽ hơn để đổi lại việc Tehran từ bỏ hay ít nhất ngừng chương trình làm giàu uranium. "Tôi không loại trừ khả năng không kích vào các cơ sở hạt nhân Iran vì họ cần biết rằng, ít nhất đó vẫn là một khả năng”, ông khẳng định.

Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán rằng, 2013 có thể là năm “bắt đầu một quá trình chuyển giao chính trị lâu dài và khó khăn” tại Syria.

Thái An (theo France24)