- Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối đặt mục tiêu chống tình trạng “đôla hóa” nhưng Thường vụ QH chiều 13/12 lo ngại ảnh hưởng của việc hạn chế sử dụng ngoại tệ.

Đa số ý kiến thành viên UB Kinh tế, cơ quan thẩm tra, cho rằng cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng “đôla hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán.

Quy định về phạm vi sử dụng ngoại tệ của cá nhân tại Pháp lệnh ngoại hối hiện hành là tương đối rộng, dẫn đến tình trạng sử dụng ngoại tệ phổ biến trong nước, làm gia tăng tình trạng đôla hóa, ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Ảnh minh họa: VietNamNet

Do vậy, Pháp lệnh sửa đổi điều chỉnh theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân.

Dự thảo nêu "trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Tuy vậy, UB Kinh tế lo ngại việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn cũng như có thể tác động đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế. "Phản ứng của những đối tượng này sẽ có tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hàng năm", báo cáo thẩm tra nêu.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân. "Người dân được quyền dự trữ ngoại tệ, chỉ khi đưa vào lưu thông, kinh doanh thì mới phải qua hệ thống ngân hàng", ông Lưu nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ nhận định này. "Phải đảm bảo quyền của người dân dự trữ ngoại tệ, nếu muốn người dân đem gửi ngân hàng thì phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ", ông Hùng nói. "Hiện nay người dân ít làm như vậy là vì thủ tục khó khăn, phức tạp".

Chủ tịch QH đề nghị dành thêm thời gian xem xét việc sửa pháp lệnh này, tham khảo thêm ý kiến nhiều bên "để ký ban hành là khả thi".

Chung Hoàng