Ước tính 300 người đã thiệt mạng trong một tuần đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, giá dầu tăng vọt tại London và New York, các công ty dầu mỏ đua nhau rút nhân viên khỏi khu vực hỗn loạn.
“Máu người Libya quý hơn dầu"
Hôm thứ hai, đã xuất hiện nhiều tin đồn rằng chính quyền Libya đã vỡ ra từng mảng theo nhiều cách khác nhau, và có thể sụp đổ. Các đại sứ của Libya tại Indonesia, Ba Lan và Bangladesh cũng như các nhà ngoại giao cấp thấp hơn người Libya tại Thụy Điển đã rời bỏ vị trí để phản đối việc trấn áp người biểu tình, theo thông tin của al-Jazeera. Thậm chí, BBC đưa tin, ông Gaddafi đã ra lệnh cho lực lượng không quân bắn vào các kho quân sự nhằm ngăn vũ khí rơi vào tay các nhóm chống chính phủ. Ngoại trưởng Anh William Hague còn nhấn mạnh thêm tình hình rối loạn khi nói với báo chí rằng Gaddafi đang trên đường tới Venezuela.
Ông Gaddafi và một nhà máy lọc dầu Libya. Ảnh: Getty
Images
Trụ cột sống còn với kinh tế Libya chính là dầu mỏ, cung cấp hơn 90% doanh thu của đất nước. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, cuộc nổi dậy bắt đầu và bùng phát ra khắp khu vực từ cuối tháng 12 vừa qua hầu như không đụng chạm tới nguồn cung cấp dầu và khí, cho dù những quốc gia Ảrập tại đây có trữ lượng rất lớn và Mỹ cũng như châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu này.
Tunisia không có dầu. Ai Cập thì giống một quốc gia vận chuyển dầu hơn với nguồn xuất khẩu chủ yếu qua kênh đào Suez. Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận năm 2005, khoảng 100 công ty đã đổ đến Libya, hăm hở khai thác những vùng đất có trữ lượng dầu lớn chưa được khám phá.
Nhưng, hôm thứ hai, BP đã tuyên bố ngừng các kế hoạch bắt đầu khoan thăm dò khí tự nhiên theo một thỏa thuận trị giá 900 triệu USD vào năm 2007.
Giá dầu Brent giao dịch trên thị trường ICE Futures Europe tại London tăng lên gần 105 USD/thùng - mức cao nhất kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu tháng 9/2008.
Các mỏ dầu của Libya cách nơi xảy ra bất ổn hiện tại hàng trăm km, nhiều mỏ ở vùng sa mạc Sahara cách Tripoli một giờ bay bằng máy bay tư nhân hoạt động vì lợi ích của các công ty khai thác dầu. Tuy nhiên, ở đây cũng đã chứa đựng khả năng bất ổn. Hôm chủ nhật, Sheik Faraj al-Zuway, một lãnh đạo bộ lạc phía tây và nam Libya, nơi có một số mỏ dầu lớn, đã nói với al-Jazeera rằng, ông sẽ ngừng toàn bộ hoạt động phân phối dầu mỏ từ lãnh thổ của ông bắt đầu vào thứ hai, cho tới khi lực lượng an ninh “ngừng gây đổ máu”. Ông khẳng định: “Máu của người Libya quý giá hơn nhiều dầu mỏ".
Khó khăn với bộ tộc Gaddafi
Libya đã cắt mọi thông tin liên lạc di động và cố định vào thứ hai khi tiếng súng vẫn vang lên ở một phần của Tripoli trong lúc người dân địa phương vật lộn để bảo vệ tài sản của họ khỏi những kẻ trộm cướp. Một người dân gửi thông điệp trực tuyến cho biết, sáng thứ hai, nhiều tòa nhà chính phủ và đồn cảnh sát bị đốt cháy.
Khoảng 3h45 chiều (giờ địa phương), người dân Tripoli cho biết nhìn thấy năm chiếc trực thăng quân sự và hai máy bay chiến đấu lượn ở khu vực ngoại ô phía tây thành phố, nơi có khu dinh thự của Gaddafi, làm dấy lên tin đồn rằng, vị lãnh đạo Libya đã đi khỏi đất nước. Hai giờ sau đó, BBC thông báo hai máy bay chiến đấu và hai trực thăng đã bất ngờ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Malta. Vào nửa đêm, quan chức Malta cho biết, máy bay mang theo năm công dân Pháp và các phi công người Libya xin tị nạn chính trị.
Kỳ lạ là, chính quyền Gaddafi dường như bất ngờ với sự nổi dậy đang diễn ra, có lẽ vì tin tưởng vào sự ổn định chính trị của đất nước trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, thực tế là cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập cũng bắt đầu tương tự, và kết thúc là các tổng thống bị lật đổ. Một cố vấn kinh doanh phương Tây có quan hệ khá thân cận với các quan chức Libya cho biết, trong chuyến thăm tới Tripoli cách đây hai tuần, “hầu hết bạn bè người Libya nói với tôi rằng, không có cách nào để nổi dậy diễn ra tại đây. Các lãnh đạo bộ lạc sẽ đảm bảo những người trẻ tuổi trong trật tự”. Giờ đây, ông nói, ông tin là Gaddafi có thể mất quyền lực hoàn toàn, hoặc giống như một kẻ “bù nhìn”. "Sẽ khó khăn với bộ tộc Gaddafi để cứu vãn điều này”, ông nhận định.
Với nhận thức chế độ của Gaddafi có thể không tồn tại, những người nước ngoài làm việc trong các công ty dầu mỏ đã vội vã rời khỏi Libya. Các công ty nhanh chóng sơ tán nhân viên bao gồm tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp Total, Repsol của Tây Ban Nha và OMV của Áo.
Tới hôm thứ hai, có thể những người Mỹ làm việc cho Marathon Oil, ExxonMobil và Chevron cũng đã rời đi. Và bất chấp hỗn loạn, những công ty khai thác dầu khí dường như cố gắng làm giảm tác động bất ổn với hoạt động của họ.
-
Thái An (Theo TIME)