Cố gắng dự báo các sự kiện quan trọng trong tương lai là một trò tiêu khiển nguy hiểm. Ai có thể biết trước được sự ngã ngựa bất ngờ của Bạc Hy Lai - từng là một ngôi sao chính trị đang lên? Nhưng, dự đoán cũng giúp mọi người có thể biết xu thế chờ đợi phía trước.

Đây là ba câu chuyện chính nhìn về Trung Quốc trong năm 2013:


Căng thẳng Mỹ - Trung

Mỹ thận trọng đề phòng sức mạnh kinh tế và quân sự Trung Quốc đang trỗi dậy, trong khi Trung Quốc thận trọng đề phòng trục xoay hướng về châu Á của Mỹ và động thái ngày càng cứng rắn hơn của Tổng thống Obama trong vấn đề thương mại.

Tuy nhiên, năm 2013, sẽ có nhiều "điểm hỏa" trực tiếp hơn giữa hai cường quốc này.

Tiết Đào, một giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Ngoại giao Bắc Kinh chỉ ra ba xu thế cụ thể: "Thứ nhất, việc Mỹ có bán vũ khí cho Đài Loan trong tháng 1 hay không; thứ hai, liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ trong giải quyết khủng hoảng ở Syria; thứ ba là vấn đề Iran". Vị này nhấn mạnh: "Tôi không khá lạc quan về hợp tác hòa bình giữa hai nước, nhưng trong dài hạn, tôi lạc quan hơn nhiều học giả khác về quan hệ Trung - Mỹ".

Ngoài ra, theo giới phân tích, cũng trong bối cảnh trục xoay của Mỹ và chiến lược "ngăn chặn tiếp cận" của Trung Quốc, vấn đề tranh chấp lãnh thổ tưởng như vô thưởng vô phạt ở những quần đảo xa xôi, hầu như không có người ở có thể châm ngòi cho những xung đột quân sự giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ có hiệp ước quân sự với Nhật nhưng cho tới nay vẫn tuyên bố không đứng về bên nào.

“Các láng giềng của Trung Quốc trông đợi Mỹ trở thành lực lượng đối trọng về quân sự và chính trị với Trung Quốc, nếu không có yếu tố này có thể dẫn tới việc một quốc gia ‘rảnh tay’ hơn để hoàn toàn thống trị khu vực”, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Harold Brown, cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói.

"Trục xoay" của TQ

Khi Mỹ nỗ lực thực hiện trục xoay châu Á, Trung Quốc cũng đang xem xét lại mối quan hệ của họ với khu vực mà họ coi là sân sau. Bắc Kinh đang xúc tiến các thỏa thuận thương mại với Nhật và Hàn Quốc, tích cực mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á như Lào và Myanmar.

Jane Perlez của Thời báo New York cho hay: "Trung Quốc là một quyền lực tiền mặt ở Đông Nam Á. Họ đang chi hàng tỉ USD vào hệ thống đường bộ, đường sắt khắp các nước Đông Nam Á tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông và sẽ đan cài toàn khu vực vào với nhau".

Có thể nói, những năm gần đây, các nước đang phát triển tại châu Á đã nằm trong "vòng xoáy" mang tên đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc. Nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc sẵn sàng cung cấp các khoản vay khổng lồ, lãi suất ưu đãi cho các nước đang phát triển trong khu vực. Chính phủ một số nước dù có những cảnh báo thận trọng và kiểm soát khoản vay nước ngoài, nhưng vẫn không ngại ngần nhận ưu đãi từ Trung Quốc do thủ tục cho vay từ nước này nhanh và ít gặp rắc rối trong tiến trình giải ngân.

Tuy nhiên, căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ trên biển; với Myanmar trong hoạt động khai thác khoáng sản thì liệu Bắc Kinh có thể thất bại trong cuộc chiến ngoại giao giành trái tim khối óc ở khu vực?

Làm sạch tham nhũng

Đảng cầm quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức có thể làm suy yếu tính hợp pháp của họ nếu không được giải quyết kịp thời. Đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, yêu cầu cấp bách trong cải tổ xã hội, tham nhũng và hàng loạt vụ bê bối bồ bịch liên quan tới nhiều quan chức trong đảng.

Do đó, đảng cầm quyền Trung Quốc coi chuyện làm trong sạch nội bộ là ưu tiên trước nhất.

Nhà bình luận chính trị Frank Ching tin rằng, chương nghị nghị sự hàng đầu của lãnh đạo mới là làm trong sạch nội bộ đảng. Ông viện dẫn quan sát từ Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 18 của Trung Quốc gần đây ở Bắc Kinh. "Khi Tập Cận Bình ra mắt và giới thiệu các thành viên ban thường vụ, ông không đề cập tới chính sách đối ngoại, ông không nói gì tới quan hệ quốc tế. Tôi tin rằng là vì ông hiểu các vấn đề nghiêm trọng nhất của Trung Quốc chính là vấn đề trong nước, nội bộ và ông sẽ phải tập trung tới nó đầu tiên".

Trong cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, ông Tập đã cảnh báo rằng, nếu để tham nhũng hoành hành “sẽ dẫn tới sự sụp đổ của đảng và cả quốc gia”. Ông nói: “Gần đây, tại nhiều nước đã xảy ra bất ổn dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền sau một thời gian dài dân chúng bất mãn và tham nhũng luôn là một nhân tố lớn".

Thái An (theo CNN)