- Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) triển khai từ năm 2013 sẽ giúp các tỉnh, các bộ tự soi lại mình. Về tâm lý, chủ tịch các tỉnh và bộ trưởng nào cũng muốn được đánh giá tốt... - ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (CCHC), Bộ Nội vụ cho hay.


Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) triển khai đầu năm 2013 có điểm gì chung với các chỉ số khác đã có thương hiệu đang được áp dụng lâu nay như Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)?

- Điểm chung của các chỉ số là đều nhằm đánh giá các hoạt động liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Nếu xem xét tiêu chí thành phần của cả ba chỉ số thì sẽ thấy ít nhiều có liên quan đến nội dung về CCHC. Ví dụ PCI có nói câu chuyện thủ tục hành chính. PAPI cũng vậy.

Khách quan mà nói, nếu đo lường chuẩn xác thì sự khác biệt về kết quả đo lường giữa các chỉ số sẽ không khác nhau nhiều lắm.

Vụ trưởng Vụ CCHC Đinh Duy Hòa: Mục tiêu chính của PAR Index là giúp các bộ, các tỉnh tự soi lại mình. Ảnh: Minh Thăng


Nếu CPI và PAPI đều mang lại kết quả tốt mà riêng PAR Index lại thấp thì chưa ổn. Hy vọng là sự khác biệt sẽ không nhiều để đảm bảo tính nhất quán tương đối.

Chỉ số CCHC dự kiến sẽ được công bố lần đầu vào tháng 5 năm tới. Khi đó chúng tôi sẽ khớp nối trở lại với hai chỉ số trên, có thể nhặt riêng ở mảng cải cách hành chính để xem có bị vênh nhau nhiều không.

Vậy mục tiêu chính khi Bộ Nội vụ đưa ra chỉ số CCHC là gì? Đâu là sự khác biệt hoàn toàn với các phương pháp đánh giá kết quả CCHC lâu nay?

- Khi kết thúc chương trình 10 năm CCHC của Chính phủ, phải lựa chọn ra một số bộ một số tỉnh làm tốt để Chính phủ biểu dương. Qua cảm nhận chúng tôi cũng có thể biết được nơi này nơi kia làm tốt. Nhưng để cân đong đo đếm thì chưa có công cụ gì để khen chê cho chính xác.

Việc dựa trên chỉ số PAR Index để xếp hạng các bộ ngành, địa phương cũng là một mục tiêu quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là các đơn vị đó sẽ nhìn vào các tiêu chí thành phần được đánh giá để thấy điểm chưa làm được, từ đó mới kịp thời chấn chỉnh.

Ví dụ qua thí điểm ở 6 tỉnh vừa rồi, Thái Bình chỉ được trên 5 điểm về đổi mới cơ chế quản lý đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Vậy làm thế nào để thu được kết quả đánh giá khách quan?

- Việc đánh giá ở cấp bộ sẽ dựa trên cơ sở 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí. Với cấp tỉnh sẽ đánh giá 8 lĩnh vực, với 34 tiêu chí.

Phương pháp đánh giá trước hết là sẽ để cho các bộ các tỉnh tự chấm. Việc tự đánh giá cũng quan trọng để tự xem xét mình.

Ngoài ra, có thêm một kênh nữa là dựa trên kết quả điều tra xã hội học.

Điểm tự đánh giá của các bộ, các tỉnh sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Tinh thần là đánh giá thật khách quan.

Cơ quan nào sẽ đảm nhận việc điều tra thu thập ý kiến người dân, doanh nghiệp để đảm bảo khách quan, thưa ông?

- Như kinh nghiệm của các nước là họ sẽ thuê một tổ chức độc lập để tiến hành đánh giá.

Barem điểm đã có. Chúng tôi sẽ giao cho một tổ chức khách quan điều tra xã hội học, có thể là Viện nghiên cứu khoa học tổ chức của Bộ Nội vụ. Cũng phải là một đơn vị tương đối khách quan, độc lập.

Đại biểu dự lễ công bố PAR Index sáng 17/12. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thời gian gần đây khắp các tỉnh và bộ ngành dường như đang bùng nổ việc xây dựng các loại chỉ số đánh giá. Nhưng rõ ràng người dân không quan tâm đến các chỉ số mà chỉ muốn được nâng cao chất lượng phục vụ khi tìm đến các dịch vụ công?

- Đúng là dân không quan tâm đến chỉ số mà chỉ quan tâm xem khi tìm đến cơ quan hành chính thì công việc có trôi chảy không. Nhưng nếu không làm việc đo lường, định lượng chất lượng, hiệu quả thì sẽ không thể dẫn đến thúc đẩy kết quả phục vụ người dân được.

Hiện, Bộ Y tế và Giáo dục cũng đang phải xây dựng bộ chỉ số hài lòng của dân về chất lượng dịch vụ công. Đây là hai lĩnh vực mà người dân quan tâm nhất.

Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính.

Ông kỳ vọng tác động của chỉ số CCHC sẽ tạo ra thay đổi gì?

- Mục tiêu chính là giúp các bộ, các tỉnh tự soi lại mình. Về mặt tâm lý thì cả chủ tịch các tỉnh và bộ trưởng ai cũng muốn được đánh giá tốt. Sau khi được đánh giá mà xét thấy tiêu chí nào bị đánh giá thấp thì phải có giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải có cán bộ tốt

Phải nhìn nhận một cách khách quan về vai trò của chỉ số chính là ở chỗ, sự yếu kém, tồn tại của CCHC không chỉ là do chúng ta chưa có chỉ số này mà vấn đề cốt lõi ở đây chính là phương pháp, cách làm và con người làm cải cách, đặc biệt là quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.

Nếu bộ máy còn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC, chưa xác định rõ được những công việc cụ thể cần ưu tiên giải quyết, thì CCHC vẫn chỉ là hình thức, không thực chất và còn tiếp tục giậm chân tại chỗ.

Việc đánh giá các chỉ số phải được thực hiện khách quan, minh bạch. Thông qua PAR Index, các bộ, ngành, địa phương cần có những chỉ đạo cụ thể, khắc phục những điểm yếu, những lĩnh vực bị xếp điểm thấp để nâng hạng cho những năm tiếp theo.

Tiêu chí nào thì cũng phải có con người tốt, cán bộ tốt, mẫu mực.


Lê Nhung