- Sau 5 năm thực hiện luật Công chứng, Hà Nội đã có 86 văn phòng công chứng tư cùng 10 phòng công chứng nhà nước, với 282 công chứng viên đang hành nghề.
>> Tiến tới lập Hiệp hội công chứng toàn quốc
>> Hà Nội lập Hội công chứng đầu tiên của cả nước
“Con số này cho thấy nhu cầu về công chứng của nhân dân là rất lớn, nếu không xã hội hóa nhanh, công chứng nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhận định tại hội nghị tổng kết 5 năm TP thi hành luật Công chứng, chiều 17/12.
Bản chất sâu xa của công chứng không dừng ở việc sao y bản chính. Ảnh: Minh Thăng |
Theo ông Khanh, cái được của 5 năm qua là về số lượng, song chất lượng mới chỉ là những kết quả bước đầu. “Tính pháp lý, hệ lụy của công tác công chứng vẫn còn đang là vấn đề trước mắt”, ông nói.
Báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội cho thấy, do phát triển quá nóng về số lượng, thời gian qua không ít tổ chức hành nghề công chứng quá chú trọng thu hút khách hàng nên giản đơn trong trình tự, thủ tục, làm không đúng quy định, không đảm bảo an toàn pháp lý, thậm chí có tình trạng “cạnh tranh không lành mạnh”.
Chất lượng các công chứng viên cũng được nhận định là chưa tương xứng với sự phát triển về số lượng. Báo cáo cho biết còn một số công chứng viên thiếu kinh nghiệm, thiếu thận trọng, chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, chưa giải thích rõ quyền, nghĩa vụ và hệ quả pháp lý cho người yêu cầu công chứng…
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Chủ tịch TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu mỗi tổ chức hành nghề công chứng, mỗi công chứng viên nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với hiệu quả quản lý nhà nước và với xã hội.
“Đất nước đang phát triển nhanh, các văn bản pháp luật thay đổi cũng nhanh, thông tin và căn cứ pháp lý cho các giao dịch cũng thay đổi, nếu cán bộ công chứng cứ rập khuôn máy móc thì không thể theo kịp yêu cầu”, ông Khanh nói.
Bản chất sâu xa của công chứng không dừng lại ở việc sao y bản chính, mà là bổ trợ pháp lý, đảm bảo an toàn cho các giao dịch, hợp đồng trong mọi lĩnh vực của xã hội, do vậy, hệ lụy của việc công chứng là rất lâu dài, đặc biệt với những giao dịch về nhà, đất, phương tiện, ngân hàng...
Do vậy, các công chứng viên phải nắm chắc pháp luật, cập nhật thay đổi về văn bản, để trước hết, thực thực đúng chức trách của mình, sau đó là có câu trả lời thỏa đáng với những công dân có nhu cầu công chứng.
“Công chứng chỉ trả lời được và không được, căn cứ pháp luật, chứ không phải ‘cái này quen thì được, cái kia không quen thì không được’”, ông Khanh nhấn mạnh. “Vì thế sợ nhất là những tổ chức hành nghề công chứng chỉ ra đời một thời gian rồi biến mất, để lại hệ lụy rất lớn cho nhà nước và xã hội”.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính yêu cầu Hà Nội phát triển các tổ chức công chứng ngoài nhà nước một cách bền vững, đảm bảo nghề nghiệp quan trọng này giữ được uy tín và danh dự.
Thứ trưởng cho biết sẽ sớm tiến hành tổng kết toàn quốc 5 năm thi hành luật Công chứng để có những kiến nghị sửa luật này trình Quốc hội cuối năm sau.
- Chung Hoàng