- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình cho hay, việc ban hành quyết định về trao độc quyền kinh doanh vàng miếng cho SJC không gây thiệt hại cho người dân và các doanh nghiệp khác.

Sơ suất hay lách luật?

Tại phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Ủy ban Pháp luật tổ chức sáng nay (24/12), bà Trần Thị Quốc Khánh (ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường QH) đã chất vấn về kinh doanh độc quyền vàng miếng.

Phó Thống đốc NHNN: Việc ban hành quyết định không gây thiệt hại cho dân. Ảnh: Lê Nhung

Theo bà Khánh, tại kỳ họp thứ 4, bà đã có văn bản chất vấn Thống đốc về việc ban hành quyết định 1623 cho phép sản xuất kinh doanh vàng miếng SJC.

"Căn cứ Hiến pháp, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật DN, đề nghị Thống đốc cho biết quyết định 1623 đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, trình tự thủ tục, đánh giá tác động văn bản trong ban hành văn bản pháp luật hay chưa?", bà Khánh đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, trong công văn trả lời sau đó, Thống đốc NHNN lại chỉ nói về nghị định 24 của Chính phủ mà không đề cập đến câu hỏi của bà Khánh. Trong khi quyết định 1623 đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân và nhiều ĐBQH.

Nhân phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật, bà Khánh tiếp tục đeo đuổi câu chuyện độc quyền kinh doanh vàng. Bà đề nghị lãnh đạo NHNN trả lời rõ vì sao nghị định 24 của Chính phủ không quy định cụ thể về vàng SJC nhưng quyết định 1623 của Thống đốc lại quy định cụ thể và tạo thu nhập riêng cho SJC để nhân dân và DN khác bị thiệt hại.

"Vì sao trựớc khi ban hành không lấy ý kiến của các tổ chức, cơ quan, DN và ý kiến người dân? Quyết định 1623 có nội hàm là văn bản quy định pháp luật nhưng tại sao lại không được ban hành theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vậy có phải là sự sơ suất hay là kiểu lách luật trong ban hành văn bản?", bà Khánh hỏi.

Bà Khánh cũng "truy" trách nhiệm của lãnh đạo NHNN và Thống đốc khi để xảy ra những thiệt hại với dân và DN do tác động của quyết định nêu trên.

'Không gây thiệt hại'

Tại phiên giải trình, ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN giải thích, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô bên cạnh thực hiện chính sách tiền tệ có yêu cầu rất quan trọng là ổn định thị trường vàng, thị trường ngoại tệ.

Liên quan đến ổn định thị trường vàng, Chính phủ đã ban hành nghị định 24 trong đó có nội dung rất quan trọng liên quan đến trách nhiệm của NHNN đối với việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trong đó có nói rõ trách nhiệm của NHNN là phải thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng, thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất, phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp với từng thời kỳ…

Theo ông Bình, sau  khi nghị định có hiệu lực, việc sản xuất vàng miếng đã  không còn được đại trà như trước đây mà thuộc độc quyền của NHNN.

Và để thực hiện trách nhiệm của mình, thì mấy tháng sau đó, Thống đốc đã ban hành quyết định 1623 trong đó có nói rõ quyết định này quy định việc tổ chức và sản xuất vàng miếng của NHNN Việt Nam.

"Đây là quy định điều chỉnh quản lý, tổ chức sản xuất vàng miếng của riêng NHNN Việt Nam và đây là quyết định riêng của Thống đốc Ngân hàng điều chỉnh quy định riêng của NHNN, không thuộc dạng văn bản quy phạm pháp luật", ông Bình quả quyết.

Ông Bình nói thêm, về trình tự thủ tục thì đây là một quy định riêng biệt của NHNN cũng tương tự các quy định về điều chỉnh lãi suất cho vay, chúng tôi cho rằng quyết định đó được ban hành rất hợp hiến, hợp pháp, đúng trình tự, thủ tục và đã xin ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan, làm việc với UBND TP.HCM là chủ sở hữu của công ty SJC.

Về vấn đề liệu người dân và các DN khác có bị thiệt hại hay không, ông Bình giải thích, nghị định 24 đã nói rất rõ Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân và không phân biệt đối xử với các thương hiệu vàng miếng khác SJC.

"Nghị định 24 và các quy định của NHNN cũng không có quy định nào buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC, nhưng thực tiễn có rất nhiều người dân đang nắm giữ thương hiệu vàng miếng khác chuyển sang thương hiệu SJC. Về việc này, NHNN đã có hướng dẫn và đã cho phép SJC được nhận các thương hiệu vàng miếng này và gia công lại trở thành thương hiệu SJC và người dân phải nộp phí gia công mỗi lượng vàng 50 nghìn đồng. Vì thế, tôi cho rằng việc ban hành quyết định 1623 không hề gây thiệt hại đối với người dân", ông Bình khẳng định.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh tiếp tục đứng lên truy: "Phó thống đốc trả lời việc ban hành quyết định 1623 không phải văn bản quy phạm pháp luật là chưa đúng. Bởi thực tế thì nội hàm quyết định này thuộc văn bản quy phạm pháp luật. Vì không có thời gian tranh luận tại đây, tôi đề nghị Ủy ban Pháp luật cũng như Bộ Tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục kiểm tra, giám sát việc này".

Lê Nhung