- Năm 2012 đi qua với nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời sống chính trị của đất nước, trong đó nổi bật là cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 4.

Bắt đầu từ Bộ Chính trị đến các tỉnh thành trong cả nước rầm rộ ra quân. Sự suy thoái của một bộ phận đảng viên được Đảng rung chuông báo động. Nói  như Chủ tịch nước là một bầy sâu đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại biểu Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng


Bộ Chính trị qua hai vòng kiểm điểm đã xin nhận hình thức kỷ luật tập thể. Ban chấp hành Trung ương trong Hội nghị lần thứ 6 đã xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân.

Chúng ta chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Như Tổng bí thư đã nói, việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các vị đó.

Đảng cũng chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình.

Tổng bí thư thừa nhận, trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước, còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Một số hạn chế, khuyết điểm, chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm, như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm…

Nhân dân kỳ vọng. Nhiều ý kiến tâm huyết coi đây là cơ hội để Đảng chữa trị căn bệnh ung thư đang di căn – lời của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Chỉnh đốn Đảng quan trọng nhất là hành động.

Những khuyết tật phải được triệt tiêu để không lập lại không tái diễn.

Trải qua gần một thế kỷ theo Đảng, nhân dân đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách trước kẻ thù hùng mạnh và nham hiểm vào bậc nhất nhưng chưa bao giờ sợ. Những đảng viên thoái hóa biến chất đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Đảng mạnh vì có quần chúng đoàn kết, đùm bọc sẻ chia.

Đảng đúng vì có quần chúng tham gia góp ý.

Lợi ích của Đảng không tách rời khỏi lợi ích của quân chúng nhân dân, “bao nhiêu lợi ích của Đảng cũng vì nhân dân”.

Trong cuộc kiểm điểm lần này đã chỉ ra một bộ phận không vì lợi ích của dân, chỉ chăm lo vào lợi ích của mình của bản thân nhóm mình.

Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, cuộc vận động chỉnh đốn lần này không phải nhằm kỷ luật một ai. Mục đích của Đảng là chỉ ra những khuyết tật để sửa chữa.

Tất nhiên khi cá nhân có khuyết điểm thì phải chỉ ra và xử lý. Đó chính là sự tôn nghiêm về điều lệ, sự thượng tôn pháp luật của một tổ chức. Đây là quy luật phát triển của bất kỳ một tổ chức hay đảng phái nào.

Không một thế lực phản động nào lại có thể tiến hành “diễn biến hòa bình” một khi nội bộ đoàn kết nhất trí.

Chúng ta không sợ kẻ thù phân hóa nếu như ta không tự phân hóa, diễn biến. Cái nguy hiểm của tự phân hóa, diễn biến còn ghê gớm hơn kẻ thù trước mặt.

Công khai minh bạch là đòi hỏi của thực tiễn, là chỉ số dẫn tới tương lai nếu như không muốn chìm trong sai lầm đi ngược với phát triển.

Cuộc vận động vẫn đang tiếp tục và người dân tiếp tục kỳ vọng, đó chính là chỉ số để Đảng tiếp tục công việc chỉnh đốn một cách nghiêm túc. Đảng đồng hành cùng dân tộc và dân tộc mong Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. 

Nguyễn Đăng Tấn