- Theo tin từ Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sáng nay, hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được Chính phủ "giải cứu" cho nền kinh tế nhằm giảm hàng tồn kho, phá băng bất động sản... thông qua các giải pháp về thuế, phí.
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, ngân sách 2013 khai mạc sáng nay (25/12). Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trình Dự thảo nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm tồn kho và nợ xấu.
Hai nhóm giải pháp chính được Chính phủ ưu tiên là giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu. Ông Hải cho hay, đây là những vấn đề bức xúc của nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này bên cạnh Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2013.
Không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ
Với nhóm giải pháp gỡ khó cho DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho hay, Chính phủ sẽ áp dụng hàng loạt giải pháp miễn giảm, giãn thuế, phí và tăng vốn tín dụng.
Khác với mọi năm, Chính phủ đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ |
Cho phép các chủ đầu tư dự án đã được nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, sẽ giao Bộ trưởng Tài chính báo cáo QH xem xét, quyết định một số chính sách về miễn giảm thuế. Chẳng hạn, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% từ 1 tháng 7 năm 2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình). Giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Đối với giải pháp về vốn, tín dụng, ông Hoàng Trung Hải cho hay, sẽ hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát.
Dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư phục vụ cho nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước dành từ 20-40 ngàn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của nhà nước để phục vụ cho vay đối với các đồi tượng này.
Xem xét, điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường.
Tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà
Đối với thị trường bất động sản, ông Hải cho hay, sẽ có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội và nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng ưu đãi để người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân có thể mua, thuê và thuê mua nhà để ở. Tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp, như: giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường. Áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua, chuyển sang nhà ở xã hội.
Sớm hình thành các định chế tài chính mới như: Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản tạo kênh huy động vốn.
Đối với nhóm giải pháp xử lý nợ xấu, ông Hoàng Trung Hải cũng nhắc lại những biện pháp đang thực hiện như đánh giá lại nợ, cơ cấu nợ. Dự kiến, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản Việt Nam ngay quý 1.
Tăng đối thoại Chính phủ với dân
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đã trình bày kết quả triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2012 và kế hoạch năm tới.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng
(CPI) tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Bội chi ngân sách cả
năm ở mức 4,8%. Cán cân xuất - nhập khẩu theo đó cũng được cải thiện giúp Việt
Nam xuất siêu lần đầu tiên sau 20 năm, với mức thặng dư khoảng 284 triệu USD.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn khó khăn, khi tốc độ tăng GDP cả năm
dự kiến chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (6-6,5%).
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, mục tiêu của năm tới là tăng cường ổn
định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm cũ. Chính phủ sẽ
kiên trì 9 nhóm giải pháp như: chính sách tiền tệ tài khóa, tháo gỡ khó
khăn cho sản xuất, đẩy mạnh các đột phá chiến lwocj gắn với tái cơ cấu, bảo đảm
an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quản lý nhà nước về
đất đai tài nguyên và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng....
Để thực hiện các giải pháp trên cần đến sự điều hành quyết liệt của người đứng đầu và sự chủ động của chính quyền các cấp. Chính phủ cũng sẽ tổ chức các nhóm chuyên trách nghiên cứu những lĩnh vực chuyên môn.
"Chính phủ sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tập trung chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Chủ động cung cấp thông tin và tăng cường trao đổi tiếp nhận thông tin từ dân", ông Ninh nhấn mạnh.
Chiều nay, Chính phủ sẽ thảo luận về các giải pháp nêu trên trước khi thống nhất ban hành Nghị quyết chung vào cuối phiên họp.
-
Lê Nhung