“Quyết định đầu tư là thẩm quyền của tỉnh, cân đối bố trí vốn cũng là thẩm quyền của tỉnh, chúng tôi chỉ xin Chính phủ cơ chế thôi”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đề xuất tại phiên họp Chính phủ mở rộng chiều nay (25/12).

Cũng như ông Cung, trong phiên thảo luận về triển khai kế hoạch kinh tế xã hội 2013, nhiều lãnh đạo tỉnh thành vừa tranh thủ hiến kế gỡ khó cho nền kinh tế vừa “xin” cơ chế đặc thù và vốn đầu tư.

“Cho chúng tôi cơ chế đặc thù”

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho hay, trong bối cảnh khó khăn, thu hút đầu tư nước ngoài vào Bình Dương vẫn đạt hơn 2 tỷ USD. Nhiều DN đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Dù có tới gần 600 DN giải thể, ngừng hoạt động nhưng  đa số thuộc quy mô DN vừa và nhỏ, năng lực hạn chế, cạnh tranh kém, thị trường chưa ổn định và sản xuất không hiệu quả.

“Bình Dương vẫn đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước”, ông Cung kết luận.

Chủ tịch Bình Dương nhân đó cũng xin Chính phủ cho cơ chế đặc thù.

Ông Cung giải thích, là một địa phương tập trung lao động cả nước nên áp lực lên hạ tầng giáo dục, y tế rất lớn, ngân sách bố trí cho an sinh xã hội rất khó khăn. Tỉnh lại chưa có bệnh viện đa khoa hay chuyên khoa xứng tầm. Vì vậy, mong Chính phủ cho cơ chế đặc thù, chẳng hạn phát hành trái phiếu địa phương với quy mô gấp hai lần tổng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm.

“Quyết định đầu tư là thẩm quyền của tỉnh, cân đối bố trí vốn cũng là thẩm quyền, nên chỉ xin Chính phủ cơ chế thôi”, ông Cung giải thích.

Ngoài ra, Chủ tịch Bình Dương cũng đề xuất cơ chế thu hút vốn ODA, cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài và khuyến khích nhà đầu tư mở rộng sản xuất.  “Chính phủ Chỉ ưu đãi cho các nhà đầu tư mở rộng sản xuất và trên 1 số lĩnh vực nhưng Bình Dương kiến nghị thêm là nên ưu đãi cả các nhà đầu tư mới và quy mô lớn. Xin điều chỉnh để thu hút đầu tư mạnh hơn”, ông Cung phân tích.

Về nợ đọng thuế, Bình Dương xin phép được thẩm quyền xem xét và có lộ trình vừa đảm bảo thu thuế đúng luật vừa giúp DN vượt qua khó khăn hiện nay. Xin phép cho phép DN ở Bình Dương được nợ thuế trong 1 thời gian nhất định.

Ngoài Bình Dương, lãnh đạo các tỉnh thành cũng tranh thủ trình bày khó khăn và xin cơ chế đặc thù.

Chẳng hạn, lãnh đạo Đà Nẵng mong Chính phủ bố trí vốn hoàn thành các dự án lớn, giải quyết hạ tầng giao thông và đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các tuyến giao thông lớn.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cũng “xin” Chính phủ bố trí vốn thực hiện các công trình lớn đang chậm tiến độ. Cà Mau xin tăng vốn để hoàn thành nốt 7 bệnh viện dở dang còn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ hỗ trợ phần hụt thu (khoảng 350 tỷ đồng) do tác động của các chính sách năm 2012.

Lãnh đạo tỉnh An Giang xin cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế Nam Bộ và cũng đề xuất gỡ khó cho mặt hàng cá tra và xử lý sớm vấn đề thu mua tạm trữ lương thực. Riêng đối với kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ lập tức chỉ đạo các bộ ngay sau phiên họp phải ngồi lại với nhau để xử lý ngay vấn đề tạm trữ lúa gạo.

“Bây giờ bắt đầu thu hoạch rồi. Thị trường rất khó khăn, nên tôi đề nghị xử lý ngay sớm từ đầu tháng giêng về cơ chế, tổng số lượng cho mua dự trữ. Tính toán giá thành sớm đừng để tình trạng khi giá xuống hoặc bán hết đi rồi Chính phủ mới bắt đầu tạm trữ”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng nêu vắn tắt, rất ủng hộ đề xuất của các địa phương, nhất là Bình Dương bởi năm qua các DN Bình Dương đã mở rộng được quy mô đầu tư.

Theo ông Vinh, Bộ rất ủng hộ đề xuất của Bình Dương về xin cơ chế thu hút ODA cũng như ưu đãi cho DN trong các khu công nghiệp. “Nếu Bình Dương có dự án hợp lý với đối tác là Chính phủ các nước thì Bộ rất sẵn sàng trình lên Chính phủ cho phép Bình Dương triển khai”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng tán thành kiến nghị xin cơ chế đặc thù cho DN ở các khu công nghiệp Bình Dương. Về đề xuất của các tỉnh thành khác, ông Vinh cho hay Chính phủ sẽ sớm thông báo kế hoạch bố trí vốn ba năm tới để các địa phương chủ động thu xếp vốn cho các dự án trên địa bàn. Nhiều cơ chế khác cũng đang được Chính phủ nghiên cứu và sẽ sớm triển khai.

“Xin” quy trình cưỡng chế thu hồi đất

Xác nhận tình trạng khó khăn, lãnh đạo các địa phương cũng tranh thủ “hiến kế” giải cứu cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đề xuất, Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho DN cần kéo dài thêm so với kế hoạch khoảng 1 năm nữa, thâm chí có thể mở rộng đến hết năm 2014. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh giải thích ngay, các giải pháp của Chính phủ gồm hai nhóm ngắn và dài hạn. Trong đó, chủ trương cho vay tiêu dùng, vay bất động sản và chính sách miễn giảm lệ phí trước bạ thuộc giải pháp dài hạn.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng cần gỡ khó tích cực cho thị trường bất động sản. Bộ ngành nên cụ thể hóa và triển khai ngay các giải pháp giải cứu thị trường ngay trong mùa khô này để tạo cơ sở giải quyết các vấn đề khác.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền thông tin, khó nhất của các DN Hải Phòng là vấn đề bố trí đất và khâu đang vướng là cưỡng chế, thu hồi đất. Vấn đề này tuy được quy định trong luật nhưng chưa cụ thể. Vì vậy,  mong Chính phủ hướng dẫn rõ ràng hơn quy trình cưỡng chế thu hồi đất.

Về tái cơ cấu DNNN, Chủ tịch thành phố cảng “hiến kế” nên phân loại để chọn ra các DN có quy mô lớn và áp dụng cơ chế đặc thù cho loại hình DN này.

Ủng hộ phương án miễn, giảm, giãn thuế cho DN, song ông Điền đề xuất Chính phủ có giải pháp hỗ trợ địa phương bù đắp phần hụt thu này bởi đây là nguồn thu ngân sách quan trọng cho địa phương.

“Chốt” phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, sáng mai (26/12), lãnh đạo các bộ ngành sẽ giải trình thêm về kiến nghị của các bộ ngành và sau đó, Thủ tướng sẽ gút lại những nội dung chính. 

Chính sách còn bị động
“Năm qua, phần lớn giải pháp ban hành mang tính tình thế, bị động đối phó. Ví dụ như hai Nghị quyết quan trọng của Chính phủ hai năm qua đều ban hành vào thời điểm giữa năm, vào mùa mưa, thời điểm khó khăn nhất với TP.HCM. Việc ban hành như vậy là chậm. Trong khi đó, đáng lẽ hai quý quan trọng nhất là quý 1 và quý 4 phải cần được tập trung làm quyết liệt hơn. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm”. (Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân).

 

Lê Nhung