- Thảo luận tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bàn cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiều ý kiến đề xuất phải có đại diện Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài trong cơ cấu đại biểu hội đồng.
Với việc sáp nhập "nguyên trạng"
bộ máy hành chính khi mở rộng địa giới năm 2008, số đại biểu HĐND Hà Nội lên tới
trên 160 người. Nhưng trong đợt bầu cử sắp tới, con số này sẽ giảm gần một nửa.
Theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND, số lượng đại biểu HĐND của Hà Nội không được vượt quá 95 người.
Chủ tịch MTTQ Hà Nội Đào Văn Bình. Ảnh: Lê Nhung
Cầm trên tay bảng dự kiến phân bổ cơ cấu, ông Phùng Xuân Nhạ (Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài) kiến nghị, thành phố nên dành thêm một ghế cho Hội, để đảm bảo HĐND có thêm tiếng nói của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước ngoài.
Các ĐB dự hội nghị tán thành ý kiến trên, nhất trí bổ sung thêm một ghế vào danh sách dự kiến, nâng tổng số ứng viên dự kiến lên 191 người (sẽ bầu ra 95 người).
Do lần này Hà Nội phải giảm một nửa số ĐB trong HĐND nên tại cuộc họp triển khai công tác bầu cử trước đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đưa ra chủ trương phải ưu tiên cho 29 quận, huyện. Đồng thời rút bớt đại diện của các sở ngành, đoàn thể chính trị, xã hội. Tuy nhiên, việc thỏa thuận để chọn đại diện sở ngành nào không dễ dàng, vì các lĩnh vực giao thông, xây dựng, tài chính, kinh tế... đều muốn có thành viên của mình.
Tại hội nghị sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nói: "Nếu sở, ngành nào cũng muốn có thành viên của mình thì làm không xuể. Quan trọng nhất là tìm được người hội đủ các tiêu chuẩn đại diện cho tiếng nói của dân".
Dự kiến, thành phố chỉ giới thiệu 20 đại diện sở, ngành, chẳng hạn các Sở Tài chính, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư...
Sau hiệp thương, thường trực HĐND các cấp sẽ điều chỉnh cơ cấu, thành phần ứng cử. Từ 4/3 đến 20/3, các cơ quan, đơn vị sẽ giới thiệu người ra ứng cử HĐND. Thời hạn cuối để nộp hồ sơ ứng cử là 17h ngày 23/3.
-
Lê Nhung