Cuộc truy tìm các nguồn thủy hải sản ngày một lớn của Trung Quốc đang là phép thử cho mối quan hệ giữa nước này với nhiều quốc gia. Nó cũng khiến quan chức ngoại giao và nhà khoa học lo ngại sự tổn hại mà những đội tàu lớn gây ra với nguồn cá toàn cầu.
Trong một ví dụ mới nhất, Argentina hôm thứ tư cho hay, hồi đầu tuần, họ đã bắt giữ hai tàu cá Trung Quốc bị cho là đã đánh bắt trái phép ở vùng biển của họ. Theo lời cơ quan chức năng, lực lượng phòng vệ bờ biển Argentina đã tiếp cận hai tàu này sau khi nổ súng cảnh cáo ngăn không cho họ chạy ra vùng biển quốc tế.
Lực lượng phòng vệ bờ biển Hàn Quốc bắt giữ tàu và thủy thủ Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trái phép. Ảnh: Getty Images |
Phía Argentina cho hay, các tàu Trung Quốc đã bị chặn lại ở ngoài khơi Patagonia bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Argentina. Thuyền trưởng các tàu đang bị thẩm vấn, còn bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nỗ lực xác minh sự thật trường hợp này.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh các tàu cá Trung Quốc ngày càng dính líu nhiều hơn vào các tranh chấp xuyên biên giới và thương mại. Tàu cá Trung Quốc hoạt động ở cả vùng biển quốc tế lẫn theo khuôn khổ thỏa thuận thủy sản song phương trong vùng biển của các nước khác. Họ làm việc cho các công ty tư nhân lớn hoặc cho chính mình, và thường là không được Bắc Kinh “định hướng”.
Ảnh hưởng toàn cầu
Tuy nhiên, tại các vùng biển châu Á, các tàu cá trở thành đội “ủy thác” cho tầm với chủ quyền của Trung Quốc tại nhiều khu vực xảy ra tranh chấp lãnh thổ. Trong nhiều trước hợp, tàu cá Trung Quốc gặp khó khăn vì nhiều cáo buộc đánh bắt quá mức làm tổn hại tới kinh tế địa phương.
Trong một báo cáo đưa ra đầu năm nay, một cơ quan quốc hội Mỹ khi xem xét về tác động tới an ninh quốc gia từ quan hệ kinh tế Mỹ - Trung đã nhấn mạnh rằng, đội tàu ngày một phát triển của Trung Quốc có “những ảnh hưởng toàn cầu”.
Vài tuần gần đây, Hàn Quốc đã bắt giữ một tàu và 24 thủy thủ Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trái phép ở Hoàng Hải. Việt Nam phản đối vụ tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu thăm dò dầu khí trên biển. Tàu cá Trung Quốc còn “dàn trận” ở xung quanh quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (nghĩa là đánh cá) làm tồi tệ thêm quan hệ song phương Trung - Nhật.
Số liệu chính thức cho thấy, Trung Quốc - nước tiêu dùng hải sản lớn nhất thế giới - đang hướng theo con đường sản xuất hơn 60 triệu tấn hải sản tới năm 2015, tăng từ mức 53,7 triệu tấn hai năm trước đây. Một số quan chức nước ngoài nghi ngờ về số liệu của Trung Quốc và tin rằng, tổng sản lượng có thể còn cao hơn.
Ngân hàng đầu tư Rabobank ước tính, hải sản nhập khẩu sang Trung Quốc - nơi mà người tiêu dùng nhiều thế kỷ nay coi ăn cá có lợi cho trí não - sẽ đạt tổng giá trị 20 tỉ USD vào cuối thập niên so với 8 tỉ USD hiện tại.
Bắc Kinh có những kế hoạch lớn để mở rộng hạm đội tàu cá nhằm thỏa cơn khát hải sản. Họ dự kiến tăng cường đội tàu đánh bắt xa bờ khoảng 16% vào cuối năm 2015 so với năm 2010. Hãy so sánh với số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Mỹ với khoảng 200 tàu.
Chiến lược hiện diện
"Trung Quốc sử dụng nguồn lực của năm cơ quan an ninh hàng hải để thực thi tuyên bố chủ quyền của họ tại các vùng biển tranh chấp bằng cách hộ tống các tàu cá, thực thi lệnh cấm đánh bắt theo mùa với các tàu nước ngoài”, nghị sĩ Mỹ Daniel Slane nói trong một phiên điều trần hồi tháng 1. "Các đội tàu dân sự cho phép Bắc Kinh duy trì sự hiện diện hàng hải tại các vùng biển tranh chấp mà không cần đến sự hiện diện hải quân”.
Trung Quốc khăng khăng tuyên bố, họ có chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông nên có quyền hộ tống các tàu cá hoạt động tại đây.
Trung Quốc đã phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng trong vấn đề lãnh thổ và môi trường ở hàng loạt ngành công nghiệp từ năng lượng tới khai khoáng hay nông nghiệp khi họ tìm kiếm nguyên liệu thô đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Trung Quốc đang ngày càng quả quyết hơn những năm gần đây trong việc theo đuổi các tài nguyên ở nước ngoài để đảm bảo bảo an ninh lương thực, nhu cầu nguyên liệu và an ninh năng lượng. Việc Bắc Kinh tăng cường đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn cung toàn cầu đã khiến Washington và nhiều quốc gia khác lo ngại về thế thống trị của Trung Quốc.
Cơn khát của Trung Quốc ngày một lớn khi khoảng 87% nguồn thủy sản toàn cầu được xem là bị khai thác triệt để, tận thu hay cạn kiệt (theo Tổ chức Nông Lương LHQ). Trung Quốc cũng như những nước khác đã ký các thỏa thuận quốc tế cho phép họ đánh bắt tại các vùng biển toàn cầu.
Một báo cáo của Ủy ban châu Âu năm nay cho biết, Trung Quốc thông tin chỉ đánh bắt được 368.000 tấn giai đoạn 2010-2011 ở các vùng biển so với thực tế ước tính khoảng 4,6 triệu tấn. Châu Phi - nơi chính quyền địa phương có ít nguồn lực giám sát việc thực thi thỏa thuận đánh bắt song phương - chiếm hơn 2/3 sản lượng thu hoạch xa bờ của Trung Quốc.
Các tàu cá Trung Quốc đang hoạt động ở phạm vi ngày một xa hơn do nguồn hải sản cạn kiệt dần ở các vùng biển lân cận như xung quanh Triều Tiên, Indonesia và Myanmar, khiến sản lượng cá đánh bắt của Trung Quốc tại các vùng biển châu Á sụt giảm. Trong khi đó, sản lượng đánh bắt ở vùng Tây Phi lại tăng 14% về khối lượng và 41% về giá trị trong năm ngoái so với 2010.
Thái An (theo Wall Street Journal)