- Từ 1/1/2013, luật Biển Việt Nam cùng các luật Giá, luật Giáo dục đại học, Công đoàn, Bảo hiểm tiền gửi, Quảng cáo... sẽ có hiệu lực.

Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Ảnh: VietNamNet

Cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ chủ quyền

Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Luật gồm 7 chương, 55 điều, là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, là cơ sở quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta.

Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Luật Biển Việt Nam nêu rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.

Nhà nước định giá bán điện

Theo luật Giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật; vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gồm các dịch vụ hàng không, kết nối viễn thông, truyền tải điện, phát điện, bán buôn điện, bán lẻ điện bình quân, đất, mặt nước, nước ngầm, nước sạch sinh hoạt, rừng, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ…

Quyền tự chủ đại học

Luật Giáo dục đại học có 4 quy định mới về phân tầng đại học; xã hội hóa giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được thể hiện nhất quán và xuyên suốt.

Luật có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường, quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng. Theo luật, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ cũng như xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền quy định.

Doanh nghiệp trích 2% quỹ lương cho công đoàn

Luật Công đoàn quy định rõ thêm trách nhiệm cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm cho Công đoàn hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.

Chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân

Luật Bảo hiểm tiền gửi xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Luật cũng quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Cấm quảng cáo “nhất”

Luật Quảng cáo cấm quảng cáo thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao.

Luật cũng cấm quảng cáo thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, số một hoặc các từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, vi phạm sở hữu trí tuệ, quảng cáo làm ảnh hưởng đến trẻ em…

Các luật khác có hiệu lực từ đầu năm 2013 là luật Phổ biến giáo dục pháp luật, luật Giám định tư pháp, luật Tài nguyên nước và luật Phòng, chống rửa tiền.

PV