- Với thế và lực hiện nay, chúng ta đừng giữ
tư tưởng “an toàn thụ động”. Mạnh dạn hơn, bản lĩnh hơn chúng ta sẽ
được nhiều hơn - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bàn về bản lĩnh hội nhập của Việt Nam.
Theo quan sát và trải nghiệm của ông, Việt Nam trong những năm qua đã tự định vị thế nào trên bản đồ thế giới khi sự chủ động, tích cực tham gia vào "sân" khu vực và quốc tế được định hình chín muồi theo thời gian?
Việt Nam đã trưởng thành, đã có kinh nghiệm phát huy vai trò trên thế giới và ngày càng đóng vai trò tích cực hơn, hiệu quả hơn ở khu vực. Thành quả này, như bạn nói là "tự định vị" mình, đã không đến dễ dàng.
Chỉ cần nhìn năm qua thôi cũng thấy thế giới và khu vực đã biến chuyển phức tạp, khó lường như thế nào. Không ít sự kiện tiềm ẩn phức tạp trong nhiều năm, giờ bộc lộ ra tương đối mạnh mẽ như vấn đề Trung Đông, Biển Đông…
Nhưng dẫu vậy, hầu hết xung đột đều có giới hạn của nó, kể cả các vấn đề gay cấn nhất cũng đều có điểm dừng. Khả năng thương lượng luôn mở ra vì người ta đều hiểu thế giới ngày nay cần gì, nhân loại cần gì. Theo tôi nhân loại đều mong muốn hòa bình và phát triển.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Chúng ta cần đoàn kết, hợp trí hợp lực,
biết khi cương khi nhu đúng chỗ, đúng lúc... |
Nhân loại muốn vươn lên tầm cao hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn, xã hội an toàn hơn, công bằng và dân chủ hơn. Bây giờ không một quốc gia nào, dù lớn mạnh bao nhiêu, có thể đơn phương độc mã giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu mà phải có sự chung sức từ nước nhỏ đến nước lớn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đóng góp và phát huy vai trò. Ngược lại, nếu không chọn cho mình cách chủ động, ứng phó linh hoạt thời cuộc, Việt Nam sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy chi phối, không tự định vị và mất thăng bằng trên con đường của chính mình.
Bước chuyển từ Đại hội X chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác” sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện” tại Đại hội XI cho thấy rõ bước chuyển về đường lối. Điều đó là quan trọng, nhưng để triển khai cần phải có lộ trình cụ thể và phù hợp.
Tự tin hơn nữa
Ông đánh giá Việt Nam ở đâu trong biên độ mở của mình để định vị bản sắc trong mọi "cuộc chơi" với bên ngoài?
Chính sách đối ngoại của chúng ta đã mở cửa khá nhiều so với trước đây. Nhưng trong biên độ sân chơi ở trong và ngoài khu vực hiện nay, tôi cho rằng chúng ta phải mở rộng hơn nữa, mạnh dạn hơn nữa, tự tin hơn nữa.
Với thế và lực hiện nay, chúng ta đừng giữ tư tưởng “an toàn thụ động”. Ta hoàn toàn có thể chủ động hơn trong vấn đề nhân quyền vì nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Một khi người dân cảm thấy thỏa đáng thì không bao giờ chúng ta phải lo về gốc. Với các vấn đề quốc tế, mạnh dạn hơn, bản lĩnh hơn chúng ta sẽ được nhiều hơn.
Sự gợi mở về biên độ mở của tôi xuất phát từ chính thực tiễn, từ quá khứ, từ lịch sử của những điều chúng ta đã làm được, và cả những bài học quý giá để lại.
Nghị quyết mở ra con đường gợi mở đi tới nhưng việc thực hiện, vận dụng trong thực tiễn cần sự linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển của chính những con người được giao nhiệm vụ đảm trách.
Nhưng khi "cuộc chơi" đã lớn thì dù độ mở nào của mọi ứng phó đều phải tính toán căn cơ lợi ích chiến lược hơn, thưa ông? Bản lĩnh khi đó khơi gợi từ đâu?
Va chạm nhiều hơn đúng là có những cái khó lớn hơn nhưng có cái lợi là sẽ học được nhiều và trưởng thành nhanh hơn. Sự thận trọng là vô cùng cần thiết nhưng không vì thế mà mất đi tính chủ động. Nhất là bây giờ nhấn mạnh trách nhiệm, ở đây tôi muốn nhấn mạnh tính tích cực, chứ không phải sự an toàn của trách nhiệm.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ George Bush. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Người cán bộ ngoại giao cũng là chiến sĩ trên đấu trường ngoại giao mà trách nhiệm cao cả nhất là bảo về quyền lợi cho tổ quốc, cho dân tộc.
Bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến" vẫn còn nguyên giá trị. Làm thế nào để vận dụng linh hoạt, sáng tạo những thứ mình đang có trong tay để đem về lợi ích tốt nhất cho dân tộc.
Nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới vô cùng nặng nề. Ngoại giao thời bình cũng như quân đội thời chiến. Nếu trong thời chiến tất cả vì tiền tuyến, ưu tiên cho quân đội, thì trong thời bình, mọi vấn đề nảy sinh đều phải qua con đường đối ngoại để xử lý.
Hiểu nôm na là chúng ta càng cảm nhận thấy thế giới phức tạp bao nhiêu thì người cán bộ ngoại giao càng vất vả bấy nhiêu, nhất là đối với các vấn đề lợi ích sát sườn của ta. Phải tính toán sao cho quyền lợi của đất nước được bảo đảm tối đa dựa trên những giới hạn về thế và lực mà chúng ta hiện có.
Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi - khởi nguồn của mọi thảm họa trên thế giới.
Còn thuận lợi của thế giới hôm nay, đó là xu thế chung không ai ủng hộ xung đột vũ trang, hoặc dùng vũ lực đe dọa người khác. Trong một “thế giới phẳng”, những nước dù mạnh đến đâu đi gây chiến cũng sẽ bị tổn thương và bị dư luận lên án mạnh mẽ.
Thách thức nhiều nhưng không phải không có giải pháp đối phó. Chỉ cần chúng ta đoàn kết, hợp trí hợp lực, bản lĩnh, biết cách phối hợp, biết khi cương khi nhu đúng chỗ, đúng lúc thì vẫn có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho đất nước mình.
Xuân Linh