- ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) tại kỳ họp QH vừa rồi nhận định: “Quyền lực không bị kiểm soát sẽ dễ bị tha hóa. Vì vậy, quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực thì mới có hiệu quả”.
Điều 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi: "Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
ĐB Nguyễn Văn Luật: Quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực
Nhiều ý kiến ĐB đề nghị phân công các trách nhiệm rõ ràng và có cơ chế kiểm soát hiệu quả, nhấn mạnh vai trò của các cơ quan dân cử.
Điều 6 tại dự thảo ghi: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) muốn ghi rõ hơn QH và HĐND là “những cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu và chịu trách nhiệm trước nhân dân".
Điều 74 tại dự thảo ghi: “QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
QH thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
ĐB Trần Đình Sơn (Đắc Lắk) đề nghị khẳng định rõ ràng, dứt khoát địa vị pháp lý của QH: "QH là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, QH có quyền quyết định những việc quan trọng nhất của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước".
Các ĐB đặc biệt nhấn mạnh vai trò độc tôn, duy nhất của QH trong các nhiệm vụ của mình, cũng như quyền quyết định về mặt nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Nhiều ĐB đồng ý với điều 116 tại dự thảo về “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”, chứ không đơn thuần là cơ quan đại diện tại địa phương.
ĐB Triệu Là Pham: Bỏ phiếu tín nhiệm cả những người do HĐND
bầu
“Nếu chỉ đóng vai trò là cơ quan đại diện thì HĐND sẽ không còn quyền giám sát, tức là không thể hiện được đầy đủ quyền lực của nhân dân với vai trò cơ quan quyền lực địa phương”, ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) nói.
ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) thì đề nghị “bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm đối với UBND, các cơ quan chuyên môn, những người do HĐND bầu thành chế định thường xuyên hàng năm để giám sát có hiệu quả hoạt động các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”.
Hiện nay tại dự thảo mới chỉ có nội dung “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn”.
Thêm nhiều cơ quan độc lập
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có thêm một chương với ba điều mới về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Ba cơ quan này đều do QH thành lập. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật. Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại ĐBQH; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử ĐB HĐND các cấp. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Nhưng chỉ có Kiểm toán Nhà nước được ghi rõ “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Tại kỳ họp QH vừa rồi, nhiều ĐB đề nghị có một cơ quan bảo vệ Hiến pháp, tên có thể là Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến, nhưng quan trọng là độc lập để “phán quyết những vi phạm Hiến pháp xảy ra trong tất cả các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) còn cho rằng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng phải là cơ quan độc lập do QH thành lập, có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành pháp, tư pháp.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang) thì thấy Ngân hàng Nhà nước cũng phải trở thành một chế định độc lập và trực thuộc QH.
ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) lại muốn QH có UB Phòng, chống tham nhũng riêng.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thì đồng tình với điều 83, cũng là một điều mới, về việc “khi cần thiết, QH thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định”, chẳng hạn các vụ việc sai phạm nghiêm trọng ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Mời độc giả gần xa tiếp tục gửi góp ý vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi tới địa chỉ email banchinhtri@vietnamnet.vn.
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng