Một trong những chức năng của Ban Nội chính là đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
Cùng với quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh đã ký quyết định 159 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan này.
Theo đó, Ban Nội chính Trung ương được xác định chức năng là cơ quan tham mưu của BCH Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Thường trực của Ban chỉ đạo chống tham nhũng
Nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương gồm sáu nhóm.
Thứ nhất là nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và PCTN; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm VKS, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN. Cũng trong nhóm này, Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
Thứ hai là hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ở các cơ quan nội chính và hai tổ chức xã hội nghề nghiệp đã đề cập. Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao.
Thứ ba là nhiệm vụ thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và PCTN trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp, bao gồm cả việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán TAND Tối cao.
Thứ năm, Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Thứ sáu, Ban sẽ thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Quy định cụ thể hơn
Về bộ máy, Ban Nội chính Trung ương gồm trưởng ban và các phó trưởng ban, được tổ chức thành chín đơn vị cấp vụ, trong đó có một vụ theo dõi công tác PCTN, một vụ theo dõi xử lý các vụ án.
So với Ban Nội chính Trung ương trước khi bị giải thể, nhiệm vụ hiện nay được quy định cụ thể hơn, trong đó bổ sung thêm mảng PCTN. Tuy nhiên, lại không có nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương như trước đây. Nhiệm vụ này hiện được tách cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tư pháp - thuộc Văn phòng Trung ương Đảng.
Được biết, cùng với việc ra quyết định thành lập và chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương, Bộ Chính trị cũng giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì cùng các cơ quan liên quan xây dựng đề án chuyển giao tổ chức, bộ máy, con người thuộc Vụ Nội chính, Vụ Pháp luật (thuộc Văn phòng Trung ương Đảng) và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về Ban Nội chính Trung ương. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đang hoàn thiện đề án về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo mô hình mới do Tổng bí thư đứng đầu, để kịp ra quyết định thành lập ngay khi cơ sở pháp lý của Ban Chỉ đạo PCTN hiện tại (quy định trong luật PCTN) hết hiệu lực vào tháng 2 tới.
Trước đó, Bộ Chính trị cũng ban hành quyết định số 655-QĐNS/TW về việc phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Theo Pháp luật TP.HCM