Đại sứ Trung Quốc tại
Philippines Mã Khắc Thanh tuyên bố Philippines và Trung Quốc có thể bắt tay
nhau cùng thăm dò trữ lượng dầu khí ở Biển Đông kể cả trong bối cảnh hai bên có
nhiều tranh chấp về ranh giới hàng hải ở vùng biển này.
Bà Mã đưa ra đề xuất trên khi nói
rằng, các nguồn tài nguyên nơi đây vẫn còn "ngủ yên" trong một thời gian rất dài
nếu Philippines và Trung Quốc chờ đợi một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp
lãnh thổ trước khi bắt đầu bất kỳ dự án thương mại nào trong khu vực.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh. Ảnh: globalnewsonline |
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Philippines Inquirer, bà Mã nhấn mạnh, hai bên nên cho phép tổ chức thăm dò dầu khí - Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Diễn đàn Năng lượng của phía Philippines (tập đoàn của 2 doanh nhân Mahuel V.Pangilinan và Enrique Razon Jr) - đạt được thỏa thuận để xác định và tối đa hóa tiềm năng dầu khí ở Bãi Cỏ Rong - Recto Bank (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - NV) ngoài khơi tỉnh Palawan.
Các ước tính cho hay, Bãi Cỏ Rong có trữ lượng cả nghìn tỉ mét khối khí và 440 triệu thùng dầu. Trữ lượng này có thể khiến nơi đây trở thành khu vực dầu khí lớn nhất hơn cả mỏ khí Malampaya cũng ở ngoài khơi Palawan. “Tôi nghĩ rằng, họ (Diễn đàn Năng lượng) giờ đây đang thảo luận về việc hợp tác chung với Trung Quốc. Đó là một dấu hiệu rất tích cực. Tại sao không để hai công ty thảo luận hợp tác? Tôi nghĩ hợp tác sẽ là con đường tốt nhất", đại sứ họ Mã nói.
Bà Mã đã nhắc tới "các đề xuất trước đây để gác lại tranh chấp và theo đuổi hợp tác" (đề cập tới thỏa ước hợp tác thăm dò địa chấn biển (JMSU) từ thời chính quyền bà Arroyo năm 2005). Theo JMSU, ba bên ký kết gồm CNOOC, Petron Corp. của Philippines và Petro Vietnam đã nhất trí tham gia hoạt động chung - khảo sát địa chấn biển trong vùng biển tranh chấp giữa 3 nước.
Tuy nhiên hoạt động này đã kết thúc mà không được tiếp tục triển khai khi nội bộ Philippines có nhiều quan điểm cho rằng hợp tác 3 bên thăm dò địa chấn trên Biển Đông là "không hợp hiến" vì nó không phù hợp với quy định "sở hữu nước ngoài chỉ được chiếm tối đa 40% trong các dự án thăm dò liên quan đến tài nguyên thiên nhiên của Philippines".
Đại sứ Trung Quốc nói: “Tôi nghĩ rằng, đó vẫn là hình thức rất hợp lệ cho giải pháp tranh chấp(?). Chúng ta có thể cùng hợp tác để thăm dò tài nguyên vì chúng ta không thể nhìn thấy trong tương lai gần... có thể giải quyết mọi tranh chấp". Bà Mã thừa nhận vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là rất nhạy cảm. “Chúng tôi rất thận trọng khi nói về vấn đề lãnh thổ hoặc tranh chấp. Tại sao lại không thể gác nó sang bên để trao đổi hợp tác?", vị này nhấn mạnh.
Bức tranh lớn hơn
Theo bà Mã, đây là kỷ nguyên toàn cầu hóa, các lợi ích Trung Quốc và những nước khác trong khu vực gắn bó với nhau. “Nếu chúng ta muốn nắm bắt cơ hội và không để mất thời gian, chúng ta nên song hành cùng nhau", bà nói.
Trong khi đó, Pangilinan - Chủ tịch Philex Mining Corp., tỏ ý tán thành quan điểm của bà Mã về thăm dò Bãi Cỏ Rong nhưng thừa nhận, ông sẽ phải đối mặt "với những thực tế chính trị" liên quan tới khu vực này. “Là doanh nhân, chúng tôi chỉ có thể đáp ứng được một mặt của vấn đề - đó là thương mại. Chúng tôi chỉ là những nhà thầu và không thể nắm bắt tất cả các thực tế chính trị, nhưng chúng tôi phải tôn trọng và làm việc trong khuôn khổ các hướng dẫn, nguyên tắc chính trị".
Theo ông Razon, chủ tịch International Container Terminal Services Inc., việc đạt được "một giải pháp thương mại" đầu tiên giữa Philippines và Trung Quốc là có thể trong khi tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết. Các bên có thể thương thảo về chia sẻ lợi nhuận cũng như các nghĩa vụ khác từ bất kỳ nguồn dầu khí nào tìm thấy được chính phủ hai bên chấp thuận.
Pangilinan and Razon đồng sở hữu hợp đồng dịch vụ số 72 về quyền thăm dò 80.000 ha ở Bãi Cỏ Rong.
Thái An (theo Inquirer)