- ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được QH thông qua thì phải trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực.

Nội dung về trưng cầu ý dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận được nhiều ý kiến của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Điều 30 tại dự thảo ghi: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.


ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy: Hiến pháp sau khi được QH thông qua phải trưng cầu ý dân. Ảnh: Minh Thăng

ĐB Ya Duck (Lâm Đồng) chỉ ra so với Hiến pháp 1992 (và sửa đổi năm 2001) với quy định "công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước, kiến nghị với cơ quan nhà nước biểu quyết khi nhà nước có tổ chức trưng cầu ý dân", thì tại dự thảo, “quyền này của dân đã bị thu hẹp hơn, chưa phù hợp”.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thấy dự thảo chưa minh định, khi nào và đối với những vấn đề gì, nhà nước phải trưng cầu ý dân như đã được quy định rõ trong Hiến pháp 1946. “Vì vậy, đây vẫn chỉ là quyền thụ động của người dân, việc có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào ý chí của nhà nước”, ông nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM) muốn “quyền được trưng cầu ý dân” phải được Hiến pháp khẳng định như một quyền cơ bản của công dân, thay vì cách quy định có thể hiểu là “khi nhà nước hay QH tổ chức thì công dân được trưng cầu dân ý”.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị quy định chế định về trưng cầu ý dân với nội dung để xác định phúc quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia và hệ quả của việc trưng cầu ý dân. “Trong dự thảo mới chỉ nói đến thủ tục và thẩm quyền”, ông Đương nói.

Cũng liên quan đến trưng cầu ý dân, điều 124 dự thảo ghi: “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định”.

Tuy ý sau là đã được bổ sung so với Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001, nhiều ĐB vẫn muốn làm rõ hơn quy định này.

ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) chỉ ra ngay tại lời nói đầu Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã khẳng định: Việc QH dự thảo Hiến pháp là được quốc dân giao quyền, việc sửa đổi Hiến pháp do 2/3 Nghị viện yêu cầu, nhưng việc thay đổi đã được Nghị viện phê chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Muốn kế thừa tư tưởng “toàn dân định ra Hiến pháp, nhà nước không ban hành Hiến pháp cho dân” này, ông Thoáng đề nghị dự thảo quy định “Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu QH phải được trưng cầu ý dân”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị quy định theo hướng dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được QH thông qua với đa số tuyệt đối thì phải trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường tán thành cách quy định này “cho những lần sửa đổi Hiến pháp sau”.

“Đây sẽ là sự kết hợp tốt nhất giữa thẩm quyền đại diện của QH với chủ quyền của nhân dân, với việc nhân dân tự mình biểu quyết về cách sửa đổi Hiến pháp, hy vọng rằng Hiến pháp sẽ có chất lượng tốt hơn, có đời sống lâu dài hơn. Chỉ với một động thái như vậy sẽ thể hiện cao nhất sự kính trọng của QH đối với nhân dân, với cử tri, những người bầu ra QH”, ông Cường nói.

Nhiều ĐB đề nghị bổ sung vào Hiến pháp quyền phúc quyết của nhân dân, được hiểu là người dân có quyền quyết định cuối cùng về những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua việc nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân về vấn đề nào đó và phải được sự ủng hộ của đại đa số người dân thì mới làm.

Khái niệm “quyền phúc quyết” hiện không có trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chung Hoàng

Mời bạn đọc theo dõi các bài viết về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/

Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn.