Cả hai nước đều tuyên bố sử dụng máy bay không người lái để giám sát, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo khả năng đụng độ tương lai trong không phận của khu vực.

Nhật hy vọng sẽ đưa máy bay không người lái Global Hawk tới gần quần đảo tranh chấp vào năm 2015. Ảnh: wordpress

Máy bay không người lái đã trở thành trung tâm một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản giữa bối cảnh hai bên cố gắng khẳng định ưu thế ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại Hoa Đông.

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng chương trình phát triển máy bay không người lái, còn Nhật bắt tay vào việc mua một mô hình hiện đại từ Mỹ. Cả hai bên đều khẳng định sẽ sử dụng máy bay không người lái vào mục tiêu giám sát, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng, nguy cơ đụng độ là “rất cao”.

Căng thẳng xung quanh quần đảo tranh chấp đang gia tăng mạnh vài tuần gần đây. Các máy bay giám sát của Trung Quốc đã bốn lần bay gần vùng này kể từ nửa cuối tháng 12. Tuy nhiên, mỗi lần phía Nhật đều điều máy bay chiến đấu F15 ngăn chặn. Không bên nào thể hiện dấu hiệu thoái lui.

Chính quyền mới của Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt ưu tiên “đối trọng” với những gì coi là mối đe dọa Trung Quốc với Senkaku/Điếu Ngư. Không lâu sau khi nhậm chức, ông Abe đã xem xét lại chương trình quốc phòng trung hạn 2011-2016 của Nhật, và có thể đặt mua từ 1-3 máy bay không người lái của Mỹ. Cũng dưới thời ông Abe, Nhật dự kiến lần đầu tiên trong 11 năm sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng vào 2013.

Nhật cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối về “các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc vào lãnh thổ tranh chấp”. Trung Quốc tỏ ra không khuất phục. “Nhật tiếp tục phớt lờ cảnh báo của chúng tôi khi tàu thuyền và máy bay của họ đã vi phạm chủ quyền của chúng tôi”, quan chức cấp cao về giám sát hàng hải Trung Quốc Tôn Thụ Hiền cho biết. "Cách hành xử này có thể khiến tình hình leo thang, khiến Trung Quốc chú tâm và cảnh giác hơn”.

Cuối tháng trước, Trung Quốc thông báo, quân đội nước này chuẩn bị bay thử một máy bay không người lái nội địa. "Các công nghệ tấn công sẽ được thử nghiệm”, Nhật báo Trung Quốc cho hay và không cung cấp chi tiết gì thêm. Andrei Chang, biên tập tờ Kanwa Defense Review của Canada cho rằng, Trung Quốc có thể nỗ lực phát triển các máy bay không người lái để thực hiện các nhiệm vụ do thám, trinh sát xa xôi như Guam, nơi Mỹ đang xây dựng sự hiện diện quân sự trong một phần chiến lược “trục xoay châu Á”.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nhật đưa tin, bộ Quốc phòng nước này hy vọng sẽ đưa máy bay không người lái Global Hawk tới gần quần đảo tranh chấp vào năm 2015 như một nỗ lực đối phó với các hành động ngày một gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

Các tàu giám sát Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng tranh chấp kể từ khi chính phủ Tokyo mua lại một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Yêu cầu ngày càng cấp bách đặt ra với Nhật về cải thiện khả năng giám sát xuất hiện vào cuối năm ngoái, khi rađa Nhật không phát hiện ra một máy bay tầm thấp của Trung Quốc đang hoạt động ở quần đảo.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng mạnh trong thập niên qua, thậm chí có thể vượt qua Mỹ vào năm 2035. Tàu sân bay đầu tiên của họ - nâng cấp từ con tàu Liên Xô cũ - đã hoàn tất các hoạt động chạy thử trên biển.

Một báo cáo năm 2012 của Lầu Năm Góc thừa nhận tin đồn bấy lâu rằng, Trung Quốc đang phát triển thế hệ máy bay không người lái tàng hình mới gọi là Anjian có khả năng vượt qua phi đội của Mỹ.

Báo chí Trung Quốc hồi tháng 10 cho biết, nước này sẽ xây dựng 11 căn cứ cho máy bay không người lái ở dọc bờ biển vào năm 2015. Ron Huisken, một chuyên gia an ninh Đông Á tại ĐH Quốc gia Australia cho rằng, khả năng đụng độ giữa các máy bay Trung Quốc và Nhật Bản là “rất cao”.

Máy bay Global Hawk của Mỹ là một loại máy bay không người lái đang “tại ngũ” lớn nhất trên thế giới. Nó có thể hoạt động ở độ cao từ 15.240-19.810m, thời gian tuần tra hơn 24 giờ. Tháng 3/2011, sau khi Nhật Bản xảy ra động đất và sóng thần, không quân Mỹ sử dụng máy bay do thám không người lái Global Hawk để theo dõi nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Thái An (theo Guardian)