Đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định đưa một thế hệ cựu binh chiến tranh Việt Nam vào những vị trí quan trọng hàng đầu trong nội các. Đó là ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng.

Tổng thống MObama và ông John Kerry. Ảnh: bostonglobe

Obama đã đề cử John Kerry và Chuck Hagel vào vị trí dẫn dắt hai bộ quan trọng nhất là ngoại giao và quốc phòng. Cả hai đều từng có thời tham chiến ở Việt Nam, đều bị thương ở Đông Nam Á và khi trở về nước, đều hoài nghi về chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ ở nước ngoài.

Cả hai đều tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, để khi bước ra khỏi cuộc chiến, họ đều hướng tới lập trường phản chiến.

Ông Hagel được xem như là người ủng hộ rút quân nhanh khỏi Afghanistan. Dù từng ủng hộ Mỹ đem quân vào Iraq nhưng về sau, Hagel lại trở thành nhân vật phản đối và phê phán mạnh cách tiến hành cuộc chiến của chính quyền Bush. Ông từng gọi kế hoạch của Tổng thống George W. Bush khi đó muốn tăng 30 nghìn quân cho chiến trường Iraq là “vụ việc nguy hiểm nhất trong chính sách ngoại giao kể từ chiến tranh Việt Nam”.

Còn với nhân vật được đề cử ghế ngoại trưởng - John Kerry, những năm tháng ở chiến trường Việt Nam đã dạy cho ông bài học đau thương không bao giờ quên. Giữa các trận chiến, John Kerry đã chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của Washington và ông quyết định phản đối chiến tranh.

Trở lại Mỹ đầu những năm 1970, Kerry được công chúng đánh giá cao khi đứng đầu một nhóm cựu binh tham chiến ở Việt Nam phản chiến. Năm 1971, ông ra trước ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ để điều trần về quan điểm của mình về chiến tranh Việt Nam.

Câu chất vấn: "Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?" của Kerry trở thành câu nói được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về ông. Trong bài diễn thuyết này, Kerry cũng tố cáo những hành vi sát nhân của binh lính Mỹ tại Việt Nam. Sau buổi điều trần này, chính Tổng thống Nixon phải thừa nhận: "Gã này thật sự có hiệu quả" và ra lệnh cho cố vấn Halderman ngăn chặn việc lính Mỹ bắn giết thường dân Việt Nam.

Tổng thống MObama và ông Chuck Hagel. Ảnh: newyorker

“Đây sẽ là những cựu binh chiến tranh Việt Nam cuối cùng với trách nhiệm và quyền lực", Julian Zelizer, một sử gia tại Đại học Princeton cho biết.

Sean Kay, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ohio Wesleyan nhận định, cả hai người có thể thay đổi cách thức sử dụng quân sự cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ.

Một trung úy hải quân Kerry khi trở về Mỹ từ Việt Nam đã trở thành biểu tượng phản chiến; một lính bộ binh Hagel từng phải thừa nhận, nếu ra khỏi Việt Nam và nếu có vị thế để tác động vào chính sách thì "tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để tránh chiến tranh vô ích và vô nghĩa”. Trả lời truyền hình C-SPAN năm 2005, Hagel nói: "Thật dễ dàng để bước vào một cuộc chiến, nhưng thoát khỏi nó quả là điều khó khăn".

Obama nói khi công bố quyết định chọn ông Hagel: “Hagel hiểu rằng việc đưa những thanh niên Mỹ đi chiến đấu và đổ máu trong cát bụi và bùn đất sẽ chỉ được thực hiện khi nó thật sự khẩn thiết".

Còn với đề cử Kerry, Tổng thống Mỹ khẳng định: “Ông ấy hiểu rằng chúng ta có trách nhiệm trong việc sử dụng sức mạnh của Mỹ một cách khôn ngoan, đặc biệt là sức mạnh quân sự”.

Ông Hagel, 66 tuổi, hiện là chủ tịch Ban cố vấn tình báo cho Tổng thống Mỹ. Trước đó, ông là thượng nghị sĩ bang Nebraska từ năm 1997 đến 2009. Ông là cựu binh và từng bị thương trong chiến tranh ở Việt Nam.

Còn John Kerry sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1966 đã được điều động tới Việt Nam trong vai trò trung uý hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong. Ông là một thành viên của UB Đối ngoại Thượng viện gần 30 năm, bản thân là chủ tịch UB này suốt 4 năm qua. Kerry cũng là nhân vật được đánh giá cao trên vũ đài quốc tế và thường xuyên đi nước ngoài nhân danh chính quyền Obama trong vai trò “người dàn xếp” và hàn gắn.

Thái An (tổng hợp)