Ngoại trưởng Philippines và Nhật Bản đề cập tới chuyện tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong buổi thảo luận hôm 10/1.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Manila. Ảnh: Reuters |
Theo đó, Manila bày tỏ mong muốn có thêm nhiều tàu tuần tra và hệ thống thông tin liên lạc để giúp cho lực lượng phòng vệ bờ biển bảo vệ tốt hơn các vùng lãnh hải của mình.
Philippines có tranh chấp kéo dài với Trung Quốc tại Biển Đông, trong khi Tokyo cũng có tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền quần đảo ở Hoa Đông. Trong buổi hội đàm, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đề cập tới sự cần thiết của một “đối tác chiến lược lớn hơn” với Philippines trong bối cảnh có nhiều thách thức ở châu Á - Thái Bình Dương.
“Khi môi trường chiến lược trong khu vực đang thay đổi, điều cần thiết với chúng ta ở cương vị ngoại trưởng là chia sẻ quan điểm về tình hình chung, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và hợp tác hướng tới sự hoà bình, thịnh vượng của khu vực”, ông Kishida nói trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại giao Philippines.
Cấp tàu tuần tra Biển Đông
Theo ông Del Rosario, Nhật Bản đang xem xét đề xuất của Manila về việc cung cấp 10 tàu tuần tra trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. 5 tàu dự kiến sẽ được chế tạo tại Philippines và số còn lại làm ở Nhật Bản.
Việc cung cấp các tàu tuần tra nói trên có thể hoàn tất trong vòng 18 tháng, ông Del Rosario nói.
Gần đây, cả Philippines và Việt Nam đã mạnh mẽ cáo buộc các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên năng lượng. Bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước, Bắc Kinh vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển.
Trong cuộc hội đàm, ngoại trưởng Philippines cho biết, ông và người đồng cấp Nhật Bản đã trao đổi về “các thách thức” mà hai nước phải đối mặt trong bối cảnh “sự quả quyết ngày một lớn của Trung Quốc”.
“Tôi nghĩ có một thoả thuận chung rằng, chúng ta nên theo đuổi giải pháp hoà bình cho các tranh chấp và chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu thể thức hợp lý là thế nào”, ông Del Rosario phát biểu trong họp báo.
Rất nhiều chuyên gia lo ngại, các vụ đụng độ ở Biển Đông có thể biến nơi đây trở thành điểm hoả xung đột.
Ba “đòn hiểm”
Ông Del Rosario cho rằng, Trung Quốc đã tung ba đòn hiểm chống lại Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông. “Nếu bạn xem xét lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, họ chắc chắn nói rằng có chủ quyền không thể tranh cãi với gần như toàn bộ vùng biển. Lập trường ấy giờ đây trở thành yêu sách thái quá. Nó vi phạm luật pháp quốc tế. Đó là ngón đòn thứ nhất”, ông nói trong một cuộc họp báo riêng khác ở Manila.
Tiếp theo, để khẳng định yêu sách này, Bắc Kinh đã thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, có thẩm quyền hành chính với nhiều vùng tranh chấp, bao gồm các khu vực thuộc lãnh thổ Philippines.
Sau đó, trong tháng 11, Trung Quốc đã ban hành luật cho phép lực lượng cảnh sát có thể khám xét các tàu nước ngoài tiến vào phạm vi 12 hải lý của tỉnh Hải Nam. Điều đáng nói ở đây là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện bởi bản đồ 9 đoạn, bao trùm hầu như toàn bộ vùng biển.
Nhật Bản gần đây cũng có nhiều đụng độ với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Quần đảo này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật nhưng Bắc Kinh cũng khẳng định chủ quyền.
“Tôi nghĩ rằng họ đều nhận thức về tầm quan trọng của các thách thức này”, ông Del Rosario nhấn mạnh. “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều hiểu, sự quả quyết của Trung Quốc đặt ra những mối đe dọa với sự ổn định của khu vực… Chúng ta cũng cần tính đến khả năng tự do hàng hải có thể bị ảnh hưởng tiêu cực”.
Thái An (theo gmanetwork)