- Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tiếc thời gian đã dài, gần 40 năm, mà vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn còn những điều để suy ngẫm. Ông tâm niệm, dù không thể bôi một thứ thuốc để lành ngay, nhưng có những điều tiếc nuối, đủ để thấm thía “bài học lịch sử” này không thể lặp lại.

Khó

Sau chiến tranh, có rất nhiều mục tiêu đặt ra và cần phải làm ngay để ổn định, tái thiết đất nước. Điều này dễ nhận được sự đồng tình là nguyên do hợp lý chăng, khi chúng ta không thể đặt ra ngay chuyện hòa hợp dân tộc thời điểm đó?

Có một câu chuyện khi công tác ở Vĩnh Linh năm 1972, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương, đồng chí Lê Duẩn đặt câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”.

Trả lời ông, người thì cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hàng đầu, người thì cho rằng phải phát triển nông thôn, đưa người nông dân đi lên, người khác thì nói cần ưu tiên đẩy mạnh khai thác tài nguyên… Ông chăm chú lắng nghe mọi người nhưng không ưng ý nào cả.

Rồi ông hỏi từng người ngồi xung quanh mâm cơm một câu: “Có ai có bà con trong Nam không?”. Ai cũng trả lời có. Ông nói: Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc.

Nhưng sau chiến tranh, hòa hợp dân tộc đã không được đẩy lên ngay, không thể hoạch định kế hoạch thực hiện?

Không khí đất nước lúc đó ào lên như con sóng khiến không ai có thể kìm hãm được. Niềm sung sướng vô hạn trào dâng khi đất nước bao lâu chìm trong chiến tranh, bom đạn, kìm hãm.

Hà Nội cũng thế, huống gì trong miền Nam. Người ta sung sướng vô cùng. Nhưng nhìn lên bàn thờ, di ảnh những người đã hy sinh cho sự nghiệp này, người ta không nguôi đau khổ….

{keywords}
Kiều bào dự hội nghở TP.HCM. Ảnh: Nam Phong

Căn cơ của vấn đề ông trăn trở, tiếc nuối, chưa thể làm trọn vẹn trong thực tế khi thời gian đã̃ gần 40 năm rồi, theo ông, là do đâu?

ông Lê Duẩn là lãnh đạo cao nhất thời đó nói vậy nhưng khi đi vào thực tế khó lắm. Trong lịch sử có chữ nếu thì nhiều cái đã khác rồi. Có biết bao nhiêu hy sinh chồng chất, nhất là những hy sinh xương máu, từ cả hai phía.

Điều tôi trăn trở, day dứt, đó là hy sinh của dân tộc mình lớn quá. Khi đến nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, nhìn bạt ngàn mộ của những người lính, rồi nghe những người quản trang kể chuyện ban đêm các anh hiện về nói chuyện, mình xúc động chảy nước mắt.

Tôi đi vào miền Nam, gặp các má. Họ là những bà mẹ Việt Nam tuyệt vời khi có những người con xung trận và̀ làm điểm tựa hậu phương vững chắc. Nhưng các má kể lại chuyện mắt thấy tai nghe, tận mắt nhìn cảnh con mình bị giết chết, tàn sát dã man… rất đau lòng. Nên khó tha thứ…

Nhưng nếu chúng ta khéo léo xử lý thì tình hình có thể đã khác.

Không thể lặp lại

Có điều khó là đất nước - vốn bao năm dốc lực cả người và của cho giải phóng thoát khỏi chiến tranh - phải bắt tay ngay vào tái thiết, không thể kịp chuẩn bị về con người trong quản lý cũng như có những cơ chế xử̉ lý́ tái thiết trong mọi vấn đề hoàn chỉnh?

Tôi cũng nghĩ chúng ta đã có phần quá lo lắng thời kỳ hậu chiến, lo lắng kẻ thù cài cắm lực lượng chống phá, chứ ngay lúc đó chúng ta đã có rất nhiều cơ hội.

Riêng với vấn đề hòa hợp dân tộc, cơ chế nào cũng phải chứa đựng điều cốt lõi là sự bao dung, tha thứ. Dù không thể bôi một thứ thuốc lành ngay nhưng nó là cay đắng của chiến tranh. Nói như thế để sau này chúng ta không bao giờ lặp lại.

Gần 40 năm mà đặt vấn đề “bắt đầu” từ đâu sẽ thật kỳ, vì thực tế không phải là chúng ta chưa bắt đầu. Đã có rất nhiều cuộc trở về xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết 36 về kiều bào… nhưng vẫn chưa là trọn vẹn. Ông, trong sự trăn trở của mình, kỳ vọng gì cho câu chuyện “hòa hợp dân tộc”?

Năm 2008, tôi gặp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong Đại lễ Phật đản Vesak tại Hà Nội. Khi đó, tôi đề nghị với ông một ý tưởng, đó là chúng ta nên xây dựng một tượng đài hòa bình ở TP HCM, hay ở bất cứ nơi nào đó để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh, dù ở bất cứ bên nào.

Ở nơi đây, mọi người có thể đến thắp nhang, đặt hoa. Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng hàn gắn, nó cũng nhắc nhở chúng ta bài học. Ông Kiệt đã rất thích thú với ý tưởng này nhưng rất tiếc điều đó đã không thực hiện được vì sau đó không bao lâu ông Kiệt, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã vĩnh biệt chúng ta.

Dân tộc của chúng ta đã hy sinh quá nhiều, quá lớn. Liên hệ thời nay, chúng ta phải biết cách để không bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh, phải giữ vững hòa bình, an ninh, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không để xảy ra những gì tổn thương lớn lao cho dân tộc nữa.

Không ai có thể thấm hơn chính chúng ta về những bài học lịch sử. Với câu chuyện hòa hợp dân tộc, thời gian đã dài quá đủ để chúng ta thấm thía không để bài học này xảy ra nữa.

Xuân Linh