- Nhật Bản và Mỹ sẽ bắt đầu xem xét các nguyên tắc hợp tác quốc phòng để thúc đẩy liên minh, giữa bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, Triều Tiên đẩy mạnh chương trình tên lửa và hạt nhân.


Các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Nhật sẽ hội đàm tại Tokyo về hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ vào khoảng ngày 16/1.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng dự kiến sẽ sử dụng việc xem xét này để thúc đẩy kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm mà Nhật tự thiết lập đối với quyền phối hợp phòng thủ. Theo cách hiểu của chính phủ Nhật hiện nay, hiến pháp nước này cấm thực hiện quyền đó.

Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật tham gia một cuộc tập trận đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu. Ảnh: houseofjapan

Các nguyên tắc định nghĩa vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật và quân đội Mỹ trong trường hợp Nhật bị tấn công ban đầu được đưa ra năm 1978 giữa thời chiến tranh Lạnh để chuẩn bị cho khả năng đối phó với Liên Xô.

Năm 1997, khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Bình Nhưỡng, các nguyên tắc được mở rộng ở chỗ, Nhật và Mỹ sẽ cùng hợp tác đối phó với các tình huống khẩn cấp tại những khu vực xung quanh Nhật Bản.

Chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda lên kế hoạch cho các cuộc hội đàm hai bên vào đầu tháng 12, nhưng động thái thử rocket của Triều Tiên ngày 12/12 và nhiều nhân tố khác đã khiến kế hoạch không được thực thi. Cuộc bầu cử hôm 16/12 đã khiến ông Noda và đảng Dân chủ phải từ bỏ quyền lực.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Abe đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera chuẩn bị xem xét lại các nguyên tắc này - động thái lần đầu tiên diễn ra kể từ năm 1997.

Kế hoạch trên sẽ là một trong những chủ đề chính tại cuộc họp cấp ngoại trưởng ở Washington ngày 18/1 về thúc đẩy liên minh Mỹ - Nhật. Động lực thúc đẩy nhu cầu xem xét lại các nguyên tắc hợp tác quốc phòng hai bên chính là căng thẳng leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh về chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và việc Mỹ công bố chiến lược mới hướng trọng tâm về châu Á.

Thủ tướng Abe mong muốn quyền thực hiện phòng thủ chung của Nhật là trụ cột chính của một liên minh hai bên mạnh mẽ hơn. Ông luôn thúc giục lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật phải mạnh mẽ hơn và nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, vai trò của lực lượng này sẽ thay đổi đáng kể.

Trong thời kỳ làm thủ tướng Nhật lần thứ nhất, vào tháng 9/2006, ông Abe đã thiết lập nhóm chuyên gia làm việc về vấn đề trên. Năm 2007, nhóm này đề xuất Nhật nên cho phép tiến hành quyền phòng thủ chung để đối phó với khả năng các cuộc tấn công nhằm vào hạm đội Mỹ hoạt động trên các vùng biển, hoặc ngăn chặn tên lửa đạn đạo hướng về Mỹ.

“Chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc”, một quan chức quốc phòng Nhật cho biết. Một chủ đề khác trong các cuộc hội đàm sắp tới là thảo luận việc cấm SDF hỗ trợ các hoạt động được coi là “không tách rời khỏi sử dụng vũ lực”. Nhật giới hạn hoạt động hỗ trợ của SDF khi cung cấp hậu cần cho quân đội của nước khác sử dụng vũ lực ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng các hạn chế như vậy sẽ cản trở việc SDF hỗ trợ quân đội Mỹ trong đối phó khẩn cấp tại các khu vực xung quanh Nhật Bản.

  • Thái An (theo Asahi)