- “Các vụ án tham nhũng được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới và 'chỉ mới bắt được con mèo con'. Cán bộ xã phường chiếm 30% còn cấp trung ương chỉ chiếm 0,3%, bằng 1/100 của cấp thấp nhất”, GS Trần Đình Bút nhận định.

Hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu… dự hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” do Tạp chí Cộng sản cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hôm nay (15/1).

Quyền đẻ ra tiền

Chỉ ra nhiều loại tham nhũng khác nhau trong các lĩnh vực kinh tế, hành chính…, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, đặc biệt lo ngại nạn tham nhũng quyền lực và chính trị.

“Điều này thể hiện rõ nhất trong khâu tuyển công chức các cấp, kể cả tuyển giáo viên... Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã thừa nhận công khai điều này trước HĐND TP”, GS Chuẩn nói.

Theo GS Chuẩn, mức giá 100 triệu đồng ông Dực nêu là "quá thấp so với thực tế người dân hay nói đến".

“Hậu quả của việc mua bán này là sau khi mua được chức và ngồi vào một cương vị nào đó thì tìm mọi cách xoay xở, kể cả những cách trắng trợn nhất, để thu lại số vốn đã bỏ ra và làm sao có lãi càng nhanh càng tốt”, GS Chuẩn lý giải.

Ông khẳng định, sức mạnh kinh tế một khi liên kết với quyền lực để hình thành lợi ích nhóm sẽ dẫn đến tham nhũng trong chính trị, chi phối chính sách. “Đây mới là điều đáng lo ngại nhất đối với sự tồn vong của chế độ, đất nước”, GS Chuẩn trăn trở.

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại nạn tham nhũng quyền lực

Chia sẻ với GS Chuẩn, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận TƯ, cho rằng quyền đẻ ra tiền, nhiều người lợi dụng chức quyền, cơ hội, vị thế và hoàn cảnh để kiếm tiền.

“Tham nhũng trong kinh tế do đó gắn với tham nhũng trong chính trị, còn gọi là tham nhũng chính sách, khi chức quyền được huy động vào việc trục lợi, tạo ra cái giá của chức quyền, địa vị. Chạy danh, chạy chức, chạy quyền đã và đang diễn ra bằng tiền và vì tiền”, GS Bảo khẳng định.

Theo ông, tham nhũng chính trị và quyền lực là tham nhũng nặng nề và nguy hiểm nhất vì nó bộc lộ sự hư hỏng của con người, sự vẩn đục trong bộ máy, sự đánh mất nhân cách, liêm sỉ, lòng tự trọng, nghĩa vụ và bổn phận của người cán bộ, công chức.

“Một sự thật cần phải nhìn thẳng vào và nói ra - đó là tính nửa vời, không triệt để trong chống tham nhũng, đó là chống tham nhũng trên lời nói lại không đi liền với chống tham nhũng bằng việc làm, bằng hành động. Nó đem lại nỗi hoài nghi trong xã hội, không ít trường hợp tuyên bố chống tham nhũng chỉ như tấm bình phong che chắn tinh vi cho những hành vi tham nhũng trong bóng tối”, GS Bảo gay gắt.

Theo GS Bảo, muốn chống tham nhũng cần phải nhận rõ ai tham nhũng, những lĩnh vực nào có khả năng xảy ra tham nhũng.

“Hiển nhiên là dân không thể tham nhũng, xét về mặt nguyên tắc. Thường thấy tham nhũng xảy ra ở những người có quyền chức, dù to hay nhỏ, dù chỉ là công chức thừa hành hay quan chức có thẩm quyền cao, từ việc hàng ngày ở cơ sở đến những quyết sách các cấp từ địa phương đến trung ương”, ông nói.

GS. Trần Đình Bút, nguyên chuyên gia tư vấn Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng, các vụ án tham nhũng được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới và “chỉ mới bắt được con mèo con”.

GS. Trần Đình Bút

“Cán bộ cấp xã phường chiếm tỷ lệ khoảng 30%, Trung ương chỉ chiếm 0,3%, bằng 1/100 của cấp thấp nhất. Biết bao nhiêu vụ tham nhũng lớn bị ém nhẹm, bưng bít toàn bộ hoặc từng phần, xử lý kéo dài lê thê, để rơi vào lãng quên như PMU 18, Huỳnh Ngọc Sỹ trong Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây ở TP.HCM…", ông Bút nói. "Nhưng những vết nhơ đáng xấu hổ đó làm sao giấu nổi trước con mắt của người dân”.

Do vậy, ông phản ánh, người dân châm biếm “con mèo ăn vụng miếng mỡ cỏn con bị đập chết, con cọp cướp cả heo lại chẳng ai dám đuổi”.

Cần nghị quyết chống chạy chức

TS. Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, đề nghị xây dựng đề án cải tổ các ban của Đảng từ TƯ đến cấp huyện. Trong đó, cần có nghị quyết chống chạy chức, chạy quyền, cải tổ hơn nữa quy trình tham mưu về công tác cán bộ.

GS. Chuẩn thì đề xuất nhanh chóng bổ sung luật Công vụ vì theo ông, tham nhũng gắn với những người thực thi công vụ các cấp chứ không liên quan đến người dân thường.

Tiếp đó, Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp chứ không chỉ thông qua luật pháp do các bộ, ngành chắp bút, tránh để lợi ích nhóm, lợi ích ngành chi phối luật pháp và các chính sách.

Một giải pháp chống tham nhũng khác được nhiều nhà khoa học tại hội thảo nhấn mạnh là kiểm soát tài sản và thu nhập cá nhân. Tài sản kê khai của người có chức quyền phải được công khai tại nơi công tác và nơi cư trú như nghị quyết TƯ 4 đã yêu cầu.

Bài và ảnh: Tá Lâm