- Doanh nhân, trí thức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về dự Hội nghị UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 17/1 mong Hiến pháp bảo hộ mạnh hơn quyền tự do kinh doanh và nghiên cứu của họ khi về nước.

Bà Phan Bích Thiện, Việt kiều ở Hungary, bày tỏ sự cảm kích đối với việc tổ chức lấy ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

“Việc kiều bào được mời góp ý Hiến pháp là một việc quan trọng, chứng tỏ Nhà nước thực sự coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, là một bước tiến trong đại đoàn kết dân tộc”, bà Thiện nói.

Bà Thiện hoan nghênh dự thảo sửa đổi Hiến pháp có quy định về “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”.

Ông Nguyễn Trọng Bình: Hiến pháp cần thể hiện sự bảo hộ mạnh mẽ hơn đối với quyền tự do học thuật
Tuy vậy, nữ doanh nhân này băn khoăn: Điều 18 dự thảo khẳng định “Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam” là tiến bộ khi không phân biệt nơi định cư, song quy định về bầu cử và ứng cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân lại chưa cụ thể hóa đối với trường hợp là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, gây khó khăn trong thực tiễn thực hiện.

Ông Bùi Đình Dĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Nga, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, lưu ý về quy định “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”.

Theo ông, trên thực tế có nhiều trường hợp công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, định cư ở đó, nhưng khi phạm pháp trốn về Việt Nam, nếu nước ngoài yêu cầu giao nộp thì theo dự thảo, họ sẽ không bao giờ bị giao nộp.

“Ban biên tập cần cân nhắc để phù hợp với tập quán và pháp luật quốc tế, quy định cứng như vậy có thể gây khó khăn cho cả hai bên và khiến Việt Nam đứng ngoài thông lệ quốc tế”, ông Dĩnh nói.

Ông Nguyễn Tài Phương: Ghi rõ Nhà nước bảo hộ quyền lợi để kiều bào yên tâm
Doanh nhân Nguyễn Tài Phương, Việt kiều tại Mỹ, phản ánh bà con kiều bào muốn về nước làm ăn vẫn tâm tư về các điều kiện, do đó kiến nghị dự thảo ghi thêm: “Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước tham gia nghiên cứu khoa học -công nghệ, đầu tư xây dựng và phát triển đất nước”.

TS. Nguyễn Trọng Bình, Việt kiều Mỹ, cũng chia sẻ: Hiến pháp cần thể hiện sự bảo hộ mạnh mẽ hơn đối với quyền tự do học thuật, để thông thoáng hơn cho trí thức Việt kiều khi tổ chức hội thảo, tọa đàm trong nước, đóng góp các căn cứ khoa học, lịch sử, pháp lý… cho việc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Cũng từ phân tích đóng góp của 4,5 triệu kiều bào về nước với lượng kiều hối năm sau tăng hơn năm trước, ông Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada, nhận định dự thảo ghi “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là chưa thể hiện hết tầm quan trọng của kiều bào.

Ông đề nghị thêm: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư trực tiếp ở Việt Nam theo quy định của pháp luật là người được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam”.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng

Mời bạn đọc theo dõi các bài viết về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/
Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn